Hàng loạt các giải pháp chưa từng có đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty đưa ra nhằm chủ động biến nguy thành cơ trước dịch COVID-19 đang diễn ra…
Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành trong cuộc họp tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) diễn ra vào cuối tuần qua đã phải thốt lên rằng, ngành hàng không thế giới đang đứng trước thời điểm xấu chưa từng có trong lịch sử vì phải cắt giảm hàng loạt đường bay, ngừng khai thác đến nhiều thị trường là tâm điểm dịch COVID-19 và hàng không Việt Nam không phải ngoại lệ.
Không chỉ ngành hàng không, nhiều tập đoàn, tổng công ty khác như hóa chất, dầu khí đều cho biết gặp rất nhiều khó khăn trước những tác động khó lường của dịch COVID -19, đặc biệt là e ngại về việc rất khó dự đoán tình hình tiếp theo của dịch bệnh.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đều chủ động kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ.
Giảm lương lãnh đạo
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết để ứng phó, Vietnam Airlines đang thực hiện nhiều giải pháp như cho nghỉ không lương 3 tuần đối với phi công người nước ngoài (đây là nhóm lao động có điều kiện và mức lương cao); lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp giảm lương từ 20%-40%; Vietnam Airlines không hủy hợp đồng đối với lao động nhưng nhân viên sẽ nghỉ luân phiên và tiến tới sẽ phải giảm lương…
Ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết doanh nghiệp này còn khó khăn hơn các hãng hàng không do tất cả các dịch vụ đều suy giảm hoặc phải ngừng hoạt động.
“Các hãng hàng không khó một thì ACV khó gấp 1,2 -1,5 lần. Dự kiến lợi nhuận năm 2020 của ACV có thể giảm tới 80% so với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt”, ông Phiệt nhấn mạnh.
Trước đó, ACV dự kiến lợi nhuận năm 2020 khoảng hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm cả hoạt động đầu tư tài chính. Với kinh nghiệm đối phó với những tác động của dịch SARS 2003, ACV đã lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, tăng cường đào tạo huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, họp bàn với các doanh nghiệp liên quan giảm giá dịch vụ trong thẩm quyền để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp hàng không…
“Đây là những giải pháp dài hạn để đón cơ hội phục hồi phát triển ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế” - Tổng Giám đốc ACV chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
13:14, 29/02/2020
11:02, 28/02/2020
15:14, 25/02/2020
13:59, 25/02/2020
11:19, 21/02/2020
11:01, 13/02/2020
Điều chỉnh chính sách thuế
Tổng công ty đường sắt Việt Nam đề nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vận tải đường sắt trong thời gian dịch vụ được miễn, giảm 8% doanh thu vận tải (mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt). Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu khách an sinh xã hội tuyến Gia Lâm – Quán Triều, Hà Nội – Đồng Đăng, yên Viên – Hạ Long năm 2019-2020 cho Công ty Cổ phần đường sắt Hà Nội.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị được xóa nợ lãi tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 107 của Chính phủ; các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoanh nợ gốc khi xử lý nợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Bộ Công thương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, các hiệp hội và các chủ hàng Trung Quốc để kêu gọi sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam để chuyền hàng xuất nhập khẩu của trung Quốc trong giai đoạn các cửa khẩu đường bộ bị đóng cửa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước được tham gia vào chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc gia. Chính phủ và các bộ ngành xem xét miễn thuế thu nhập cho thuyền viên chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế được miễn thuế thu nhập cho thuyền viên chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển và dịch vụ hàng hải như miễn giảm thuế, giảm giá hoặc không tăng giá tiền thuê đất hàng năm cho các doanh nghiệp khai thác cảng biển.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau
Tổng công ty cà phê Việt Nam kiến nghị Nhà nước cơ chế hỗ trợ tạm trữ để đảm bảo cung cầu trong nước cũng như xuất khẩu cà phê, hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ từ 6-9 tháng nhằm giải bớt khó k hăn về tài chính, áp lực trả nợ tại các ngân hàng.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đề nghị Ủy ban chỉ đạo 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban đại diện vốn chủ sở hữu tiến hành rà soát các sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi để đẩy mạnh sử dụng sản phẩm của nhau, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp.
Ông Hùng lấy thí dụ: “PVN và Vinachem hiện đang sản xuất phân bón, nhưng Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) lại cơ bản nhập khẩu mặt hàng này. VRG có nhu cầu 600.000 tấn phân bón/năm, nếu có sự điều phối chung để sử dụng sản phẩm của PVN và Vinachem sẽ hỗ trợ được rất nhiều, trên cơ sở phải đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá thành”.