Các thương hiệu xa xỉ đổ tiền dựng cửa hàng

QUÂN BẢO 06/10/2023 03:00

Gucci, Chanel và nhiều nhà bán lẻ hàng xa xỉ đang chi mạnh tay xây dựng các cửa hàng thực địa. Đây là bằng chứng chứng minh sức mạnh bền bỉ của trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

>>Các thương hiệu xa xỉ nhảy vào lĩnh vực thể thao

Thương hiệu trang sức của Pháp Van Cleef & Arpels đang mở một cửa hàng mới tại Đại lộ Madison (Manhattan). Gần đây Chanel cũng vừa mở lại cửa hàng flagship Beverly Hills, đồng thời tăng diện tích lên gấp đôi, đạt gần 2.800 mét vuông. Còn Gucci đang mở rộng khắp nước Mỹ, với mạng lưới hiện tại gồm 8 cửa hàng ở Texas và một tại trung tâm Detroit.

Tất cả những động thái này là một phần trong làn sóng phát triển mạnh mẽ tại thị trường Mỹ của các thương hiệu xa xỉ đến từ Châu Âu và những nơi khác. Họ đang làm nhiều cách, từ việc ký hợp đồng thuê lại những địa điểm rộng lớn, cung cấp thêm dịch vụ ẩm thực, cũng như “hạ cánh” ở những địa điểm mới lạ hơn, nhằm tiến vào thị trường mới.

Theo ước tính từ hãng đầu tư bất động sản JLL, các nhà bán lẻ xa xỉ phẩm đã thuê hơn 60.000 mét vuông mặt bằng mới tại Mỹ trong 12 tháng qua. Con số này của năm trước chỉ xấp xỉ 23.225 mét vuông.

Ông C. Ebere Anokute, quản lý nghiên cứu bán lẻ của JLL, nhận định rằng hàng xa xỉ là một trong những mặt hàng đầu tiên ghi nhận doanh số bùng nổ mạnh mẽ kể từ thời kỳ khủng hoảng nhất của đại dịch. Điều này đã khiến các nhà bán lẻ có niềm tin trở lại vào các cửa hàng thực địa. Đồng thời đây cũng là kênh quan trọng trong chiến lược bán hàng khi các thương hiệu này phát triển và mở rộng.

Khi đỉnh dịch trôi qua, mọi người quay trở lại các cửa hàng, khiến bất động sản bán lẻ phục hồi nhanh chóng. Hầu hết các lĩnh vực bán lẻ đều ổn trong những năm gần đây. Trong đó bán lẻ hàng xa xỉ ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhất, vì giới giàu có của Mỹ vẫn đổ tiền mua sắm bất chấp lạm phát và lãi suất tăng cao.

Báo cáo của JLL trích dẫn một thống kê từ Statista cho thấy doanh số bán lẻ xa xỉ phẩm ở Mỹ dự kiến đạt 75,68 tỷ USD trong năm nay, tăng gần 9% so với con số 69,51 tỷ USD hồi năm ngoái.

Các thương hiệu bán lẻ quốc dân như Barnes & Noble hoặc Macy’s thường không mở rộng quy mô cửa hàng trong những năm gần đây. Họ theo đuổi chiến lược chỉ trưng bày một phần bộ sưu tập tại các cửa hàng và đẩy hầu hết mặt hàng lên các kênh trực tuyến.

Ngược lại, các cửa hàng xa xỉ thì chỉ bán một tỷ lệ nhỏ hàng hóa qua mạng và tập trung đánh mảng cửa hàng thực địa hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi hiếm có ai mua một chiếc đồng hồ đắt đỏ 15.000 USD mà không thử trực tiếp.

Không chỉ vậy, khi các thương hiệu xa xỉ mở rộng thêm các ngành hàng khác, chẳng hạn mỹ phẩm và quần áo trẻ em, thì họ cũng cần thêm diện tích để trưng bày sản phẩm.

Bên cạnh đó, mặc dù ít bị ảnh hưởng bởi thương mại điện tử như thương hiệu tầm trung, nhưng các thương hiệu xa xỉ vẫn cần thu hút khách đến cửa hàng để duy trì thị phần và tăng trưởng doanh số. Một trong những cách để họ thực hiện mục tiêu này là tích hợp thêm các dịch vụ như quán cà phê, quán bar. Đồng thời để thu hút khách hàng mới, họ cũng phải tổ chức nhiều sự kiện và mở các cửa hàng tạm thời.

Tất cả những nhu cầu, những mục tiêu, những chiến lược này đều cần dùng đến các diện tích, mặt bằng thực địa. Do đó, các cửa hàng xa xỉ ngày càng mở rộng quy mô. JLL thống kê rằng trung bình diện tích mặt bằng đi thuê của các thương hiệu xa xỉ trong năm nay là 465 mét vuông hoặc hơn, tăng 28% so với 12 tháng trước.

Một vài cửa hàng vốn đã lớn nay càng lớn hơn. Chẳng hạn hồi năm ngoái, Hermes, thương hiệu xa xỉ đến từ Pháp, đã mở một cửa hàng flagship rộng hơn 1.900 mét vuông trên Đại lộ Madison (New York), trải rộng trên 4 tầng, bày bán các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa, trang phục nam giới, đồ gia dụng, đồ cưỡi ngựa, đồ trang sức và đồ da.

Không chỉ buôn bán tại những con phố tấp nập truyền thống, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ cũng bắt đầu lựa chọn mở rộng tại những khu vực mới lạ hơn, chẳng hạn Đại lộ Michigan (Chicago), Rodeo Drive (Beverly Hills) hoặc Phố Newbury (Boston).

Không giống đa số các bên bán lẻ khác, những thương hiệu xa xỉ ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng khách du lịch và nhân viên văn phòng sụt giảm đáng kể. Đó cũng là một trong những lợi thế để họ tiếp tục phát triển chiến lược mở rộng kênh bán hàng trực tiếp của mình. Như vậy có thể thấy, mặt bằng vẫn luôn có giá, bất chấp các bước tiến của công nghệ như AR, VR hay metaverse.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi đồ ăn bình dân bắt tay thương hiệu xa xỉ

    Khi đồ ăn bình dân bắt tay thương hiệu xa xỉ

    04:00, 22/07/2023

  • Dự báo xu thế hàng xa xỉ năm 2023

    Dự báo xu thế hàng xa xỉ năm 2023

    11:00, 25/01/2023

  • Thương hiệu xa xỉ kín đáo giảm giá như thế nào?

    Thương hiệu xa xỉ kín đáo giảm giá như thế nào?

    04:30, 30/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các thương hiệu xa xỉ đổ tiền dựng cửa hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO