Công nghệ trí tuệ nhân tạo, mua đi bán lại, thị trường Mỹ, v.v., đó sẽ là những thứ mà ngành hàng xa xỉ phải đặc biệt quan tâm trong năm 2023.
>>Thương hiệu xa xỉ kín đáo giảm giá như thế nào?
Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, suy thoái, khủng hoảng chuỗi cung ứng, thì ngành hàng xa xỉ vẫn tỏ ra khá vững vàng. Chẳng hạn LVMH ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hữu cơ đạt 37,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Capri Holdings (công ty mẹ của Michael Kors và Jimmy Choo), đạt mức tăng trưởng 15%, tương ứng 1,36 tỷ USD.
Mặc dù vậy trong năm mới 2023, các chuyên gia cho rằng những thương hiệu xa xỉ cần chuẩn bị tâm lý. Bởi thời điểm này môi trường tiêu dùng toàn cầu không ổn định, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến quyết định chi tiền của khách hàng.
Đó là lý do vì sao các thương hiệu phải luôn nhanh nhạy với những xu hướng và sự kiện được cho là sẽ có tác động đáng kể đến ngành hàng của mình trong năm 2023, bao gồm:
#1. Thị trường Mỹ
Theo Swarooprani Muralidhar, chuyên viên phân tích cấp cao ở Coresight Research, khi những thị trường lớn như Trung Quốc vẫn đang bị ràng buộc bởi các chính sách phòng ngừa COVID-19, thì Mỹ được kỳ vọng là thị trường đem đến doanh số cho các thương hiệu xa xỉ phẩm. Do đó bà dự đoán các thương hiệu lớn sẽ đầu tư vào mạng lưới cửa hàng ở Mỹ. Cụ thể hơn, họ có thể mở thêm cửa hàng ở các thành phố nhỏ hoặc ngoại ô, vì giới giàu có của Mỹ có xu hướng dịch chuyển từ thành phố lớn về những nơi này trong đại dịch.
Tuy nhiên vẫn có những chuyên gia cho rằng không nên bỏ quên thị trường Trung Quốc. Ông Brian Ehrig, đối tác trong lĩnh vực thực hành tiêu dùng ở công ty tư vấn Kearney, cho rằng mặc dù khách hàng Trung Quốc và Nhật Bản chưa thể trở lại như trước dịch, nhưng các ngành bán lẻ lữ hành sẽ tái xuất trong năm 2023. Nếu đúng như vậy, thì khi đó nguồn hàng sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu và giá cả sẽ tăng vọt.
#2. Trang sức và đồng hồ
Về vấn đề kinh doanh và tăng trưởng, không phải ngành hàng xa xỉ nào cũng đồng đều với nhau. Khi nhu cầu đi lại và giao tiếp tăng lên, thì giày dép, quần áo cũng được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên ông trùm thực sự vẫn là trang sức và đồng hồ.
Theo báo cáo 2021 của McKinsey, thị trường trang sức dự kiến tăng 3% - 4% mỗi năm đến năm 2025, còn đồng hồ tăng 1% - 3% mỗi năm.
Muralidhar nhận định rằng trang sức và đồng hồ trở thành những món hàng hot không chỉ vì mức độ hấp dẫn của chúng, mà còn vì đây là một kênh đầu tư. Trong môi trường kinh tế đầy biến động hiện nay, khi các sản phẩm đầu tư tài chính cho thấy sự bấp bênh, thì trang sức và đồng hồ lại có sức nặng hơn.
>>Các thương hiệu siêu xa xỉ chinh phục Trung Quốc như thế nào?
#3. Mua đi bán lại lên ngôi
Không thể phủ nhận 2022 là năm của mua đi bán lại (resale), khi các thương hiệu từ cao cấp đến tầm trung đều thâm nhập vào lĩnh vực này với việc mở nền tảng hoặc các dự án bán đồ secondhand của riêng mình.
Chẳng hạn hồi tháng 7/2021, Coach khởi động chương trình (Re)Loved, cho phép khách hàng đổi túi xách Coach đã qua sử dụng để lấy điểm tín dụng tại một số cửa hàng ở Bắc Mỹ. Gucci và Valentino cũng khởi động các dự án resale sản phẩm vintage, trong đó họ tuyển chọn, khôi phục và bán lại các món hàng secondhand của mình.
Trong năm 2023, resale sẽ tiếp tục là xu hướng dẫn đầu, đặc biệt khi các thương hiệu ngày càng chú ý đến những vấn đề phát triển bền vững.
#4. Công nghệ cao
Không còn là thứ đứng ngoài cuộc, công nghệ cao giờ đây phát triển mạnh trong ngành thời trang và có thể là bí quyết để các thương hiệu đạt được thành công trong năm mới.
Trong năm ngoái, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain chiếm ưu thế trong lĩnh vực thời trang. Hàng loạt nhà thiết kế, chẳng hạn Rebecca Minkoff, ra mắt các chương trình biểu diễn bằng CGI hoặc tung ra sản phẩm trong vũ trụ ảo.
Muralidhar nhận định rằng hiện nay các yếu tố kinh tế thay đổi rất nhanh, do đó các thương hiệu cần bám sát công nghệ để bản thân có thể nắm bắt và thích ứng nhanh chóng khi đối mặt với bất kỳ sự đổi thay hoặc gián đoạn nào. Khi khách hàng quay trở lại mua sắm ở cửa hàng, thì công nghệ có thể trở thành yếu tố bắt buộc để nâng cao trải nghiệm mua hàng ở cửa hàng lẫn mua hàng đa kênh, biến chúng thành trải nghiệm “thuận tiện hơn” và “có tính cá nhân hóa hơn”.
Còn về phía nhà cung ứng, việc đầu tư vào công nghệ cao, chẳng hạn các ứng dụng theo dõi chuỗi cung ứng, sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát mạng lưới ung cứng, mà còn hỗ trợ các nhà bán lẻ có được cái nhìn tốt hơn về hoạt động vận hành của họ.
#5. Giữ vững chất lượng
Bốn điều ở trên là thứ các thương hiệu cần nhanh chóng nắm bắt và thích nghi. Nhưng vẫn có những thứ luôn tồn tại từ trước đến giờ và đòi hỏi các thương hiệu phải gìn giữ, đó là trải nghiệm khách hàng và sự thấu hiểu khách hàng.
Hay theo như lời khuyên của Michael Prendergast, giám đốc điều hành bán lẻ tiêu dùng tại Alvarez & Marsal, thì theo dõi và chú ý đến mô hình khách hàng là điều cần làm, tuy nhiên các thương hiệu vẫn phải “chơi” theo kiểu lâu dài, đừng chạy theo thị trường, hãy cứ là chính mình.
Có thể bạn quan tâm