Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao việc một nhà thiết kế mở bán các đồ gia dụng phổ thông với giá “trên trời”, và bán được. Thế nhưng, điều này không lạ.
>>Các thương hiệu xa xỉ đổ tiền dựng cửa hàng
Bạn có biết, những đồ gia dụng phổ thông bán giá hàng chục triệu đồng đó vẫn còn “rẻ chán”, và “hữu ích chán” nếu so với ứng dụng “Tôi giầu”.
Ứng dụng “Tôi giầu”
Ngày 5/8/2008, trên kho ứng dụng App Store xuất hiện một ứng dụng tên “Tôi giầu” (I am Rich). Giá của nó là 999 USD, tương đương gần 25 triệu đồng, “cắt cổ” hạng nhất App Store.
Chức năng của nó như sau:
Hiển thị 1 viên đá quý mầu đỏ to đùng, kèm theo dòng chữ:
Tôi giầu
Tôi xứng đáng
Tôi thoải mái, khỏe mạnh và thành công
(I am rich, I deserv it, I am good, healthy & successful)
Hết.
Chính xác là như vậy. Một ứng dụng giá 25 triệu đồng chỉ làm đúng mỗi thế.
Nếu ai nghĩ rằng chẳng người nào “khùng” đi mua cái ứng dụng vô tích sự này thì đã nhầm.
Ngay trong ngày đầu tiên, ứng dụng này đã bán được 8 bản (sau đó có 2 người nói mua nhầm nên đã được hoàn tiền, còn 6 người cho đến giờ vẫn là mua thật).
Ngay ngày hôm sau, Apple đã gỡ ứng dụng này mà không giải thích lí do và vướng vào tranh cãi về hành động này suốt một thời gian dài. Nhưng dù sao thì ứng dụng “Tôi giầu” có lẽ vẫn là ứng dụng có tỷ suất lãi lớn nhất lịch sử của Apple Store khi chi phí gần như bằng 0 mà doanh thu 5.994 USD chỉ trong 1 ngày.
Sự chứng nhận
Nếu nhìn sản phẩm dưới góc nhìn “chức năng” thì rõ ràng có nhiều điều không thể hiểu nổi. Ví dụ như cái ứng dụng “Tôi giầu” phía trên.
Nhưng từ lâu, có những sản phẩm đại diện cho một sự chứng nhận nào đó, chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp chức năng. Ví dụ đi Roll Royce là đại gia, dùng Blackberry là có “chất” doanh nhân, đi xe đạp Peuguet là “tiểu tư sản” cổ điển, v.v..
Các hãng lớn đã tận dụng rất tốt điều này để chinh phục khách hàng.
Thuở xưa, đồng hồ Thụy Sỹ được coi là đỉnh cao của máy móc cơ học. Người ta có hẳn câu thành ngữ “Chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ”. Đeo đồng hồ Thụy Sỹ tức là mang trên tay đỉnh cao máy móc của nhân loại.
Thế rồi đồng hồ điện tử Nhật ra đời và còn chính xác hơn cả đồng hồ Thụy Sỹ. Thế là những người thích sự chính xác chuyển sang mua đồng hồ Nhật.
Các bộ óc Thụy Sỹ liền thay đổi chiến lược, biến chiếc đồng hồ Thụy Sỹ trở thành biểu tượng của sự sang trọng quý tộc. Và đến bây giờ, người ta mua đồng hồ Tquhụy Sỹ với giá đắt cắt cổ không phải để xem giờ, mà là để chứng tỏ mình sang trọng quý tộc. Hay nói cách khác, họ không mua chức năng của chiếc đồng hồ, mà họ mua sự chứng nhận mà chiếc đồng hồ mang lại.
Người chứng nhận
Không phải sản phẩm nào cũng có thể thành “sự chứng nhận” được. Một trong những yếu tố quan trọng là sản phẩm đó phải có bên thật uy tín đảm bảo.
Với ứng dụng “Tôi giầu” ở trên, người chứng nhận là Apple. Với uy tín của Apple, mọi người tin giá trên App Store là giá thật. Nên có người sẵn sàng bỏ ra 999 đô để mua cái ứng dụng đó. (Có lẽ chính vì thế mà Apple phải gỡ ngay ứng dụng đó xuống mặc dù nó không vi phạm điều luật nào).
Quay trở lại với gian hàng của nhà thiết kế kia, có thể có nhiều tranh cãi nhưng nhà thiết kế đó đã thành công trong việc khiến cho cụm từ “sang trọng” xuất hiện cùng với mình (xin bạn đọc lưu ý, người viết không nói sản phẩm của ông là sang trọng, chỉ nói “có sự xuất hiện của từ sang trọng”). Ông này đang rao bán “sự chứng nhận sang trọng” chứ không phải bán đồ gia dụng để dùng hằng ngày.
Thành thử, nếu ai tin nhà thiết kế kia chứng nhận được sự sang trọng thì họ sẽ mua đồ của ông. Còn với những người không tin, đó chỉ là những món đồ gia dụng bình thường với giá “cắt cổ”.
Có thể bạn quan tâm