3 công ty giao đồ ăn lớn nhất Châu Âu mất đến 75% giá trị so với thời đỉnh cao của mình. Cũng vừa mới đây, Baemin đóng cửa. Dịch vụ giao đồ ăn vẫn đang đà xuống dốc.
>>Mô hình giao đồ ăn khủng hoảng?
Ba công ty ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất châu Âu, Delivery Hero SE, Just Eat Takeaway.com NV và Deliveroo plc, vừa mất đến hơn 75% giá trị, tương đương 50 tỷ USD, nếu so sánh với thời kỳ đỉnh cao vào tháng 9/2021.
Theo Elias Halbig, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Union Investment ở Frankfurt, cho biết các công ty giao hàng vẫn cần phải làm rất nhiều để hoạt động bền vững và lấy lại niềm tin nơi các cổ đông.
Mặc dù EBITDA (lợi nhuận trước lãi suất, thuế, khấu hao và tổn thất giá trị) sau khi được điều chỉnh cho thấy ngành giao hàng vẫn có cải thiện gần đây, nhưng tổn thất thực tế vẫn cao hơn. Chẳng hạn Delivery Hero ghi nhận khoản lỗ 821 triệu euro (trước thuế thu nhập) trong nửa đầu năm nay, mặc dù EBITDA được điều chỉnh chuyển sang dương.
Giai đoạn cải thiện lợi nhuận tiếp theo có lẽ sẽ rất khó khăn với những công ty giao hàng này, vì họ đã, đang và sẽ cắt giảm nhiều thứ vốn dĩ được xem là tuyệt chiêu kéo khách như chi phí marketing, phí phục vụ và các khoản giảm giá sâu. Trong bối cảnh ấy, họ phải tìm cách tối ưu phương thức hoạt động, chẳng hạn giao nhiều đơn đặt hàng trong một khu vực trong một lần giao.
Khi các công ty giao hàng muốn nâng phần lợi nhuận, tăng trưởng doanh số sẽ càng chịu áp lực lớn hơn. Các dự báo cho thấy giá trị đơn hàng trên Just Eat sẽ giảm trong năm nay. Nguyên nhân phần lớn vì khách hàng hạn chế chi tiêu trong bối cảnh lạm phát. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Delivery Hero và Deliveroo dự báo sẽ tăng, nhưng không bằng năm 2020 và 2021.
Trong chặng đường sắp tới của các công ty giao hàng ở châu Âu này, một số thử thách sẽ có liên quan chặt chẽ đến việc định giá. Chẳng hạn tỷ số P/S (price-to-sales - hệ số giá/doanh thu, tính bằng cách lấy giá thị trường cổ phiếu chia cho doan thu cổ phiếu) dự kiến của Delivery Hero và Just Eat sẽ thấp hơn 60% so với mức trung bình trong ba năm của họ. Còn chỉ số của Deliveroo sẽ thấp hơn 1/3 mức niêm yết trong năm 2021. Hệ số định giá dựa trên lợi nhuận sẽ biến động nhiều hơn vì khả năng sinh lời của các công ty đang hạn chế.
Trên thực tế, tình hình khó khăn của các công ty giao hàng không chỉ xuất hiện ở khu vực châu Âu. Tại Việt Nam, mô hình giao hàng, giao đồ ăn cũng đang lâm vào thế khó. Các ứng dụng giao hàng than thở doanh thu không đủ chi phí vận hành.
Mới đây nhất là người chơi đến từ Hàn Quốc, Baemin. Sau hơn ba năm hoạt động với nhiều chiến dịch truyền thông nổi tiếng, giờ đây Baemin ngậm ngùi tạm biệt thị trường Việt Nam.
Đại diện các ứng dụng giao hàng cho biết ngành nghề hoạt động của họ gặp phải cạnh tranh khá lớn. Để chiếm thị trường, họ phải tung nhiều khuyến mãi, nhưng khuyến mãi nhiều thì dần không đủ bù đắp chi phí. Nếu cắt giảm khuyến mãi, khách hàng sẽ dần rời xa. Đồng thời trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dùng thắt lưng buộc bụng, tình hình càng tồi tệ hơn, doanh thu các app sụt giảm mạnh và gặp thua lỗ.
Mặc dù khó khăn, thế nhưng vẫn còn đó những dự đoán lạc quan cho thị trường châu Âu.
Ba đại diện giao hàng đến từ châu Âu đang tìm cách thu hẹp khoản lỗ. Còn các nhà phân tích kỳ vọng họ sẽ tạo ra dòng tiền tự do dương trong năm 2024. Mức độ cạnh tranh có lẽ cũng sẽ giảm khi những công ty này cắt giảm bớt các khoản giảm giá và rút khỏi các thị trường không cốt lõi.
Quan trọng nhất, sự lạc quan ngày càng tăng về tiềm năng nới lỏng tiền tệ sẽ giúp ngành giao hàng thăng tiến trong năm tới. Nhưng tất cả những điều này vẫn đang ở “thì tương lai”.
Có thể bạn quan tâm