Thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng tái cấu trúc, hợp nhất và đổi mới công nghệ.
Foodpanda dừng cuộc chơi tại Thái Lan
Mới đây, Delivery Hero, chủ sở hữu của Foodpanda, đã công bố rằng nền tảng giao đồ ăn này sẽ ngừng hoạt động tại Thái Lan vào ngày 23/5/2025, một quyết định được cho là để tối ưu hóa chiến lược địa lý nhằm tập trung vào các thị trường có lợi nhuận cao hơn.
Tại Thái Lan, Foodpanda chỉ đạt thị phần dưới 15%, xếp sau Lineman Wongnai với 44% và GrabFood với 39,4%. Trong khi GrabFood là đơn vị duy nhất bắt đầu báo cáo lợi nhuận trong thị trường có giá trị 86 tỷ baht này, tổng lỗ của Foodpanda trong năm 2022 và 2023 lên đến gần 3,8 tỷ baht, phản ánh chi phí vận hành và khuyến mãi liên tục mà không đem lại hiệu quả lợi nhuận.
Trước đó, hai nền tảng Gojek và Baemin cũng chia tay thị trường Việt Nam giữa năm 2024 với những lý do tương tự về áp lực chi phí và lợi nhuận, cho thấy bối cảnh cạnh tranh khốc liệt tại thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, buộc các hãng phải tối ưu hóa chiến lược địa lý, quản lý chi phí và tìm kiếm quy mô mới.
Nhìn về quá khứ, vào ngày 2/12/2015, Foodpanda cũng đã từng chính thức chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do vấn đề tài chính. Theo nhận định của các chuyên gia, mô hình đốt tiền để giành thị phần bằng chiết khấu cao dẫn đến gánh nặng tài chính không thể kéo dài của Foodpanda tại Việt Nam.
Làn sóng hợp nhất trên thị trường Đông Nam Á
Theo báo cáo mới nhất từ Momentum Works, thị trường giao đồ ăn khu vực Đông Nam Á tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn với tổng giá trị giao dịch đạt 19,3 tỷ USD trong năm 2024, tăng 13% so với năm trước, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, sự bùng nổ này đi kèm với áp lực cạnh tranh gay gắt, trong khi GrabFood và ShopeeFood chi phối thị phần tại nhiều quốc gia để lại khoảng trống rất nhỏ cho các đối thủ khác.
Trong bối cảnh đó, gã khổng lồ Grab đã và đang tìm cách mở rộng biên lợi nhuận qua các dịch vụ cao cấp và cắt giảm 1.000 việc làm như một phần chiến lược quản lý chi phí và duy trì tính cạnh tranh dài hạn. Gần đây, Grab cũng dự báo doanh thu cả năm 2025 vào khoảng 3,33–3,40 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh mảng giao đồ ăn vẫn đóng góp quan trọng dù đối mặt với cạnh tranh từ các đối thủ khác.
Không chỉ cắt giảm chi phí, các diễn biến hợp nhất cũng đang được kích hoạt: Grab và GoTo cũng đã mở rộng đàm phán về một thỏa thuận hợp nhất nhằm giảm lỗ và tạo ra quy mô đủ sức cạnh tranh, dù chưa có thỏa thuận cuối cùng do khác biệt về định giá và rủi ro pháp lý.
Trước đó, đầu năm 2024, cơ quan cạnh tranh Singapore từng xem xét thỏa thuận mua lại Foodpanda của Grab do lo ngại về mức độ tập trung thị phần cao, nhấn mạnh tính nhạy cảm của ngành với các thương vụ thâu tóm và mua lại (M&A). Bên cạnh đó, các nền tảng như GoFood của GoTo, Line Man Wongnai tại Thái Lan hay JD Takeaway tại Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa dịch vụ và áp dụng mô hình “zero commissions” để thu hút nhà hàng, càng làm tăng mức độ cạnh tranh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hợp nhất giữa các nền tảng như Grab và GoTo là điều “không thể tránh khỏi” để đạt được quy mô và cải thiện biên lợi nhuận trong một thị trường có chi phí vận hành ngày càng tăng.
Trong bối cảnh chi phí vận hành cao, khách hàng ngày càng yêu cầu dịch vụ nhanh chóng và chất lượng, cùng áp lực từ các mô hình kinh doanh đốt tiền, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng tái cấu trúc, hợp nhất và đổi mới công nghệ.
Thử thách với các nền tảng trong bối cảnh hiện tại không chỉ là giành thị phần mà còn là duy trì lợi nhuận, trải nghiệm khách hàng và cam kết với đội ngũ đối tác giao hàng. Để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp buộc phải cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận, đồng thời tái định vị chiến lược cho phù hợp với điều kiện từng thị trường.