Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI khẳng định cắt giảm điều kiện kinh doanh, gỡ bỏ những điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật sẽ là động lực để Việt Nam có thể phát triển.
Ông Tuấn cũng khẳng định trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam mới chỉ đang tiến bộ hơn so với chính mình và đã đến lúc phải dùng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam.
-Là người gắn bó với môi trường kinh doanh, ông đánh giá như thế nào về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của Việt Nam trong năm 2019 và các năm trước đó?
So với năm 2018 thì quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2019 trầm lặng hơn. Chỉ trong năm 2018 có đến 25 Nghị định về việc cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được ban hành, điều này đã tạo ra những thay đổi rất lớn cho môi trường kinh doanh.
Trong khi đó sang năm 2019 chỉ có một vài bộ, ngành vẫn rất tiếp tục quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh là Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Đáng nói, cho tới thời điểm hiện tại có nhiều bộ ngành vẫn im lặng.
-Dường như dư địa cải cách đã hết thưa ông?
Tôi không nghĩ như vậy. Trên thực tế không gian cải cách vẫn còn rất lớn, dư địa cải cách còn trên hầu hết cách lĩnh vực.
Đơn cử như trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, một trong hai lĩnh vực được coi là điểm sáng cho chương trình cải cách năm 2018, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh những vướng mắc về sự chồng chéo của các thủ tục xin phép, kiểm tra chuyên ngành chưa hợp lý còn tốn kém còn rườm rà và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra bây giờ là chúng ta cần phải coi việc cải thiện môi trường kinh doanh là việc làm thường xuyên của bộ, ngành chứ không phải là làm theo phong trào như thời gian qua, khi mà Thủ tướng yêu cầu bộ ngành làm thì bộ ngành mới buộc phải làm.
Nếu như đây là một nhiệm vụ phải làm thường niên, làm hàng năm, một thời gian thực thi sẽ tạo ra một văn hóa, một cách làm bền vững.
-Để hạn chế sự biến tướng của điều kiện kinh doanh, nhiều chuyên gia đã đề xuất chúng ta nên cấm ban hành thông tư. Cá nhân ông đánh giá điều này thế nào?
Tôi cho rằng đây là xu hướng tiến bộ. Đây cũng là một giải pháp công khai minh bạch và làm cho hệ thống pháp luật được thông thoáng và thuận lợi.
Trên thực tế thông tư cũng là văn bản pháp luật và nó hoàn toàn có giá trị áp dụng cho tất cả người dân và doanh nghiệp.
Nhưng vấn đề ở chỗ dường như quy trình xây dựng Thông tư của chúng ta trong thời gian qua không được minh bạch. Trên thực tế quá trình soạn thảo thông tư hiện nay không được bàn thảo nhiều, không được công khai nhiều, không qua nhiều bước thẩm định thẩm tra chặt chẽ như soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định nên việc có thể để lọt những “cái gai” có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp người dân là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, tính ổn định của thông tư cũng rất kém.
Có thể bạn quan tâm
05:20, 20/01/2020
04:50, 01/01/2020
11:35, 30/12/2019
-Vậy đâu sẽ là động lực để Việt Nam cải cách và phát triển trong 2020 và những năm tới, thưa ông?
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ rào cản, gỡ bỏ những điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh chính là động lực để Việt Nam có thể phát triển trong những năm tới.
Nếu Việt Nam tháo gỡ các điều kiện kinh doanh, đưa môi trường kinh doanh vào nhóm những nước đứng đầu hàng đầu của ASEAN thì tốc độ tăng trưởng kinh tế còn lớn hơn nữa.
Với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi trong năm nay được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong lĩnh vực thuế, Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử cũng được kỳ vọng là một trong những điểm sáng giúp Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, chỉ trong 5 năm (từ 2014 đến 2019), Việt Nam đã tăng 30 bậc về môi trường kinh doanh. Dù về mặt thứ hạng giảm nhẹ nhưng nói về điều này không thể nói rằng hiện nay không gian tăng trưởng đã hết.
Tôi cho rằng tăng trưởng thậm chí sẽ còn cao hơn nữa, đóng góp của các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vào ngân sách còn lớn hơn nữa nếu chúng ta tiếp tục thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa.
- Xin cảm ơn ông!