Nghiên cứu - Trao đổi

Cải cách chính sách thuế bất động sản: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Khôi Nguyên 08/12/2024 04:00

Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các chính sách thuế bất động sản để báo cáo vào thời điểm thích hợp…

cai-cach-chinh-sach-thue-bat-dong-san-van-con-nhieu-ban-khoan-2.png
Dư luận cho rằng việc đánh thuế bất động sản đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp. Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính nói gì?

Gần đây, dư luận cho rằng việc đánh thuế bất động sản đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm, cách thức đánh thuế để tránh gây sốc dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật hiện hành quy định bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên hiện chưa thu đối với nhà trong quá trình sử dụng bất động sản); chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng).

Bộ Tài chính nêu rõ, để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII thì cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh của nước ta, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới cũng như thông lệ ở một số quốc gia.

Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản trong thời gian qua (trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng) để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.

Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến bất động sản sẽ được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

cai-cach-chinh-sach-thue-bat-dong-san-van-con-nhieu-ban-khoan-1.jpg
Chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế nhà, đất phải thực hiện đồng bộ, công bằng giữa các địa phương và cần có cơ sở dữ liệu để bảo đảm đánh thuế đúng đối tượng, phát huy hiệu quả của chính sách thuế. Ảnh minh hoạ

Cần thực hiện đồng bộ

Trao đổi xung quanh nội dung này, một số chuyên gia cho rằng để ngăn chặn đầu cơ, chống tăng giá ảo thì việc cấp thiết hiện nay là cần nghiên cứu đánh thuế ngay với nhà, đất bỏ hoang.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá; trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương.

Nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là "đẩy giá kiếm lời". "Việc nghiên cứu áp thuế bất động sản là cấp bách để điều tiết thị trường. Không vì thấy khó ban hành mà bỏ qua chính sách này", ông Đính nói.

Vị chuyên gia đưa ra ví dụ điển hình như ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%...

“Quy định như vậy sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, công trình giao thông...”, ông Đính nêu chia sẻ.

Đồng quan điểm về việc đánh thuế nhà, đất bỏ hoang, tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản lại cho rằng cần thực hiện một cách đồng bộ.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm bởi điều này đã được thể chế rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Nghị quyết nêu rõ: "Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái", "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang".

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc đánh thuế nhà, đất phải thực hiện đồng bộ, công bằng giữa các địa phương và cần có cơ sở dữ liệu để bảo đảm đánh thuế đúng đối tượng, phát huy hiệu quả của chính sách thuế.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản mới cũng đề cập xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản...

“Đây là dữ liệu quan trọng để thực thi Luật Thuế Bất động sản trong tương lai, sau khi được Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua”, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách chính sách thuế bất động sản: Vẫn còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO