Cải cách sẽ trở thành “ký ức bão bùng”

Đại Dương 21/06/2019 10:35

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng ba năm nay có một “thói quen”, đó là mỗi khi dẫn đầu Tổ công tác đến bộ, ngành, địa phương nào, ông cũng mời rộng rãi các cơ quan báo chí.

Điều này chẳng phải là “tiền hô hậu ủng” hay “đi cho vui” mà là nhằm một mục đích khác. Đến bất cứ đâu, Bộ trưởng Dũng cũng nói rằng: Có báo chí ở đây, ghi lại những gì các đồng chí cam kết cải cách để sau này có đối chứng.

p/Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, khảo sát thực tế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, khảo sát thực tế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng

Cam kết khôngcòn là “cuộc phiêu lưu chính trị”

Cũng chính vì vậy, trong những lần “cải cách” điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, báo chí được tham gia khá rộng rãi. Dĩ nhiên, những cuộc tranh luận về từng điều kiện kinh doanh đến 21h như diễn ra năm 2016 báo chí không có điều kiện dự. Cũng tương tự như vậy là những cuộc “họp kín” giữa Văn phòng Chính phủ và các hiệp hội, các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • “Người giám sát” doanh nghiệp

    “Người giám sát” doanh nghiệp

    10:35, 21/06/2019

  • “Cầu nối” doanh nghiệp - chính quyền

    “Cầu nối” doanh nghiệp - chính quyền

    10:30, 21/06/2019

  • Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra lối đi đúng đắn

    Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra lối đi đúng đắn

    14:16, 20/06/2019

  • Sự “đồng điệu” của báo chí

    Sự “đồng điệu” của báo chí

    10:00, 21/06/2019

  • Báo chí phải... siêu tương tác

    Báo chí phải... siêu tương tác

    09:32, 21/06/2019

Nhưng không phải vì vậy mà những cuộc cải cách, cắt giảm cách “đau đớn” không được tường thuật trên báo chí. Có những phát ngôn, những tranh cãi gay gắt giữa các cơ quan độc lập và các bộ, ngành đều được truyền tải ở mức độ vừa phải. Cũng chính vì vậy, trong những buổi làm việc chính thức của Tổ công tác với các bộ, ngành, địa phương, các cam kết hay lời hứa của những người đứng đầu đã không còn là “cuộc phiêu lưu chính trị”. Vì nó rất cụ thể, chi tiết đến từng thủ tục vô lý, từng điều kiện kinh doanh phi thị trường cần phải đơn giản hay bãi bỏ.

Chắc người dân vẫn không quên được những phát ngôn ấn tượng như kiểu: “không sản xuất được Iphone mà đòi kiểm tra Iphone”; “Không chấp nhận cục trưởng ban hành văn bản như vậy”… Những phát ngôn ấy thật ra dù có thể chưa vững chắc về cơ sở pháp lý, nhưng ít nhất nó cho thấy những vấn đề trong môi trường kinh doanh là nan giải. Bởi nó liên quan đến việc triển khai “quyền lực nhà nước”.

Ở chiều ngược lại, từ những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh doanh, Tổ công tác nói riêng và Chính phủ nói chung có các chỉ đạo cụ thể tháo gỡ khó khăn. Chắc chắn người đọc không quên những ví dụ báo chí nêu ra như: “Một chiếc bánh sô-cô-la “cõng” 13 giấy phép”, hay “thời gian nuôi gà còn nhanh hơn thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu gà”.

Báo chí sẽ trở về với vai trò “Thư ký thời đại”

Trước những sức ép ngày càng mạnh hơn của cải cách, những phát ngôn như vậy được báo chí truyền tải là một lực đẩy cần thiết để sức ép ấy đẩy cỗ máy hành chính với quán tính chậm chạp vận hành nhanh hơn. Bởi càng bớt đi một thủ tục vô lý thì môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn. Bớt đi một điều kiện kinh doanh phi thị trường thì nền kinh tế càng tiệm cận với thể chế tiến bộ của thế giới.

Những ý kiến của các chuyên gia độc lập, các cơ quan chuyên môn như CIEM, VCCI, các hiệp hội, doanh nghiệp… khi được truyền tải cách trung thực cũng là những “động lực” giúp cải cách diễn ra nhanh hơn. Với vai trò “ghi lại cải cách”, báo chí không chỉ đóng vai trò “thư ký thời đại” mà đã thực sự tham gia vào quá trình cải cách ấy. Dễ thấy mối quan hệ “tương hỗ” giữa những tuyên bố chính trị của Chính phủ “kiến tạo, bứt phá” với vai trò báo chí trong tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Có những phóng viên, nhà báo bao năm nay vẫn một mực say mê với chủ đề kinh tế vĩ mô. Họ coi cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là hạt nhân, như một “sứ mạng” mà nghề nghiệp đã trao cho họ. Có những nhà báo, phóng viên đã mong “cắt giảm điều kiện kinh doanh” không còn là “cuộc chiến” nữa. Bởi khi là “cuộc chiến” thì sẽ có được-mất, thất bại-thành công.

Không thể có một sự phát triển bền vững, không thể có một môi trường kinh doanh an toàn, cạnh tranh bình đẳng khi mà sự “giằng co” giữa lợi ích cục bộ của từng cơ quan nhà nước với sự thịnh vượng của quốc gia. Không thể có sự “bứt phá” nếu từng điều kiện kinh doanh vô lý, phi thị trường vẫn rất khó khăn khi cắt bỏ. Nếu phải có một “cuộc chiến”, thì đó phải là cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trên thương trường quốc tế chứ không phải là cuộc chiến giữa nhà nước và doanh nghiệp; phải là cuộc chiến giữa thật và giả, giữa đàng hoàng và gian dối, giữa tiến bộ và lạc hậu. Dứt khoát đó không phải là “cuộc chiến” giữa những lực lượng có chung sứ mệnh là làm cho dân tộc hùng cường.

Đương nhiên, trong cuộc chiến đó, báo chí sẽ lại trở về với vai trò “thư ký thời đại” của mình. Môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng thì sẽ chẳng còn có “cuộc chiến” nào giữa nhà nước và nhân dân, giữa bộ, ngành và doanh nghiệp.

Và cải cách khi ấy sẽ trở thành những hoài niệm, những “ký ức bão bùng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách sẽ trở thành “ký ức bão bùng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO