Cải cách từ ý thức trách nhiệm

HUYỀN TRANG 13/06/2021 04:10

Chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng sự cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Tuy nhiên, những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất vẫn là rào cản ngáng chân doanh nghiệp.

 Theo Báo cáo của VCCI, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước.

Theo Báo cáo của VCCI, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình. Kết quả nghiên cứu và phương án xử lý gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp.

Bộ ngành chậm trễ

Trước đó, ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang gây khó khăn, cản trở đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, tại văn bản này Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể nội dung quy định, từng điều, khoản, văn bản cụ thể gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung; khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh. Công việc này phải hoàn tất, gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2021.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tới ngày 14/5/2021, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho biết mới nhận được báo cáo từ hơn 10 bộ, ngành, địa phương.

Tạm chưa bàn tới chất lượng của các báo cáo, chỉ riêng con số trên đây có thể thấy, thái độ triển khai công việc của nhiều bộ, ngành, địa phương thực sự là vấn đề đáng bàn.

Cải cách trong 5 năm tới sẽ rất khó khăn

Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp công bố tháng 4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc tới nhận định của doanh nghiệp về sự chậm lại trong hành động của một số bộ, ngành, địa phương. Có thể nói đến những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đăng ký bất động sản, thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, hoạt động của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại…

Tổng hợp lại những thay đổi lớn trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã điểm lại những hoạt động mà Chính phủ đã đề ra cùng với kết quả tích cực đạt được thông qua cảm nhận của doanh nghiệp. Có thể kể đến như môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…

Mặc dù có những cải thiện, song theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế. Nhiều quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Cơ chế xin-cho dù đã giảm, nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đã minh bạch hơn, nhưng việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo của Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thì lại trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là các con số tổng, không có ý nghĩa để doanh nghiệp sử dụng…

“Dù đã giảm được sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng còn không ít doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn bị đối xử bất bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp “sân sau” nên đây cũng là vấn đề đáng lo ngại”, TS Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.

Chủ tịch VCCI lưu ý, Việt Nam đã giảm các điều kiện gia nhập thị trường trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài thì tình trạng rủi ro do biến động chính sách vẫn rất đáng quan ngại, cản trở nhiều doanh nghiệp lớn bỏ tiền đầu tư.

“Vướng mắc lớn nhất là pháp luật kinh doanh chồng chéo, nếu tuân thủ luật này thì trái luật kia. Có doanh nghiệp bị thách 3 năm không làm xong thủ tục cho một nhà máy, vướng từ Luật Đầu tư sang Luật Đất đai. Pháp luật chồng chéo làm cơ quan nhà nước tê liệt, công chức muốn nhũng nhiễu rất dễ, khi anh thuận, anh thấy lợi thì cho là đúng, nhưng khi muốn gây khó dễ thì đưa ra điều luật khác khó khăn hơn. Vì vậy phải sửa từ quy trình làm luật để dòng chảy pháp luật tương thích, hỗ trợ dòng chảy cuộc sống. Không nên làm luật chỉ vì mình, phải làm luật để xử lý các vấn đề của cuộc sống, ách tắc ở đâu thì phải xử lý ở đó.”

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách từ ý thức trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO