Nguồn nguyên liệu cho năng lượng sinh khối rất khó xác định về số lượng, không dự báo được mức giá trong tương lai. Đây chính là bài toán khó về sự phát triển điện sinh khối.
>> Giải pháp nào phát triển năng lượng sinh khối?
Các chuyên gia đều nhận định, điện sinh khối cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác có ý nghĩa rất to lớn về xã hội, con người. Ngoài góp phần bảo vệ môi trường, điện sinh khối còn đem lại nguồn thu nhập cho nông dân, hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các nhà máy đường, do vậy cần được hỗ trợ phát triển mạnh hơn nữa.
Mặc dù Việt Nam là vùng sản xuất nông nghiệp lớn, mỗi năm có hàng triệu tấn phụ phẩm rơm, rạ, cám, trấu, bã mía… có thể chuyển đổi thành năng lượng điện, tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này còn rất nhỏ.
Số lượng còn quá khiêm tốn
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2025 và 2030, tương ứng là 1.200 MW và 3.000 MW.
Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dạng, bao gồm: trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải chăn nuôi... với tổng khối lượng hàng năm lên đến trên 160 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chuyển đổi thành điện, sản xuất khí đốt như biogas.
Gần đây có một số địa phương đã phát triển nhà máy đốt rác phát điện, tuy nhiên công nghệ này được xem là còn mới tại Việt Nam nên chưa có nhiều nhà máy loại này.
Riêng nhà máy điện sinh khối từ bã mía, từ năm 2009, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ kỹ thuật cho 5 nhà máy đường là Lasuco, Nasuco, Dak Lak và Vị Thanh, Phụng Hiệp (Công ty Casuco) lập Báo cáo tiền khả thi nhà máy điện sinh khối đồng phát (đồng thời tạo ra cả điện năng và nhiệt năng) và đào tạo nhân lực ngành điện sinh khối của mía đường.
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính vì phải vay vốn với lãi suất cao và giá bán điện thời gian đầu chưa hấp dẫn nên đến năm 2020 chỉ có 3 nhà máy điện bã mía có dư công suất bán điện thương mại với công suất chưa đến 200MW, các nhà máy còn lại chủ yếu là tự sản, tự tiêu.
Bên cạnh đó, khó khăn chồng chất khó khăn đối với các nhà máy đường do phải cạnh tranh gay gắt về giá đối với đường của Thái Lan; sự lạc hậu về công nghệ khiến doanh nghiệp mía đường Việt Nam không đủ sức “chống trả” sự khắc nghiệt của thị trường, khiến số lượng nhà máy và công suất ép mía giảm mạnh, điều này ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các nhà máy điện sinh khối tại các nhà máy đường.
>> Doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam đầu tư điện sinh khối
>> Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Tận dụng cơ hội kinh doanh mới
Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) cho biết, với nguồn sinh khối hiện có, tiềm năng phát triển điện sinh khối của Việt Nam có thể đạt 5.000-6.000MW, tức gấp đôi so với mục tiêu phát triển nguồn điện này đến năm 2030. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này thì tổng nguồn phát điện sinh khối chỉ khoảng 378MW chủ yếu là điện sinh khối từ bã mía. Còn lại 100MW điện trấu, 70MW điện sinh khối từ gỗ thì đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Nguồn nguyên liệu không ổn định
Theo bà Vũ Chi Mai, trưởng hợp phần dự án, chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương, nguyên nhân của việc chậm phát triển điện sinh khối là do các nguồn năng lượng sinh học vẫn còn phân tán, không ổn định và thiếu tính bền vững, đặc biệt là nguồn phụ phẩm bị phụ thuộc và thay đổi theo mùa vụ, nên việc kiểm soát số lượng đầu vào, giá cả của các loại nguyên liệu chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc xin cấp phép đối với việc ra đời một nhà máy điện sinh khối mới gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Bên cạnh đó, theo bà Lê Thị Thoa, cán bộ cao cấp Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam, dự báo giá nguyên liệu điện sinh khối là thách thức lớn.
Trong nhiều năm qua không có thêm nhà máy điện sinh khối mới nào được mở ra, trong khi tổng công suất điện sinh khối của cả nước còn giảm đi. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguyên liệu sản xuất điện sinh khối phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, là những phụ phẩm của nông nghiệp, trong khi năng lượng gió, mặt trời là nguyên liệu từ thiên nhiên, không phải mua. Vấn đề quan trọng là làm sao dự báo được giá mua nguyên liệu của điện sinh khối. Đây vẫn đang là bài toán khó đối với các nhà đầu tư.
Hiện nay, bã mía vẫn là nguồn nguyên liệu chính của điện sinh khối, nhưng do ngành mía đường trong những năm gần đây gặp khó khăn, công suất giảm mạnh khiến lượng bã mía cũng giảm theo. Mặt khác, giá nguyên liệu sản xuất điện sinh khối cũng biến động mạnh. Năm 2015, tại Đồng bằng sông Cửu Long, vỏ trấu, vỏ lạc, rơm rạ sau khi thu hoạch bị đổ ra kênh rạch gây ô nhiễm thì nay đã được người dân thu gom và bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao. Do vậy, các nhà máy điện sinh khối cũng bị cạnh tranh gay gắt.
Khó khăn về nguồn nguyên liệu khiến các nhà đầu tư gặp trở ngại trong việc ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu để hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng. Một khi nguyên liệu không ổn định, không có điện để bán cho EVN, thì không thể nào thuyết phục được ngân hàng đồng ý rót vốn, bà Thoa cho hay.
Đối diện với nhiều thách thức, các chuyên gia cho rằng, điện sinh khối cần có cơ chế đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, các cơ chế thu hút đầu tư ra sao, hiệu quả đầu tư thế nào vẫn là vòng “luẩn quẩn” chưa có lối thoát.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy điện sinh khối An Khê: Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2020
10:04, 14/11/2020
Australia tiếp tục hợp tác với Việt Nam về năng lượng sạch
20:34, 30/11/2022
Năng lượng sạch, cần môi trường đầu tư minh bạch
04:10, 06/08/2022
Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch
11:00, 05/07/2022
Cơ hội cho các startup phát triển dự án về năng lượng sạch
05:15, 28/06/2022