Nghiên cứu - Trao đổi

Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Cần chiến lược rõ ràng, nhất quán

Gia Nguyễn 14/11/2024 04:30

Để tái khởi động dự án điện hạt nhân, không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, chủ trương nhất quán từ cấp cao khi phát triển năng lượng này…

Để đáp ứng nhu cầu điện về dài hạn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 12/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho hay đã quyết liệt chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, cũng như triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-13.11.1.1.jpg
Điện hạt nhân được cho là một trong những giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu điện về dài hạn - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối; hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500 kV mạch 3...

Theo Thủ tướng, dự báo nhu cầu điện những năm tiếp theo sẽ còn tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa.

“Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-13.11.1.2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tái khởi động lại dự án năng lượng này cần chiến lược rõ ràng, nhất quán - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, xoay quanh việc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân, đa phần ý kiến đều tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, liên quan đến bài toán này, vấn đề về bảo đảm an toàn trong phát triển điện hạt nhân là mối quan tâm đặc biệt.

Và để đảm bảo an toàn trong quá trình phát triển nguồn năng lượng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược bền vững.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân phải tính toán chiến lược dài hạn, không nên phụ thuộc vào các vấn đề như bối cảnh thế giới, chúng ta quyết định khởi động rồi lại dừng.

Còn theo ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cần quy định cụ thể về điện hạt nhân trong Luật điện lực. Bởi, nếu chỉ quy định hay hướng dẫn chung chung, triển khai ở tầm Nghị định hay Thông tư hướng dẫn mà không rõ thì sẽ rất khó khăn. Bởi, điện hạt nhân không phải là dự án “ngày một ngày hai” có thể làm được.

Lấy ví dụ về dự án làm điện ở Ninh Thuận cần 15 năm nghiên cứu, tính toán và chuẩn bị đầu tư mất 15 năm, từ công tác đào tạo đội ngũ, chuyên gia (chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn) đến chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu thời gian tới, muốn làm điện hạt nhân thì mất rất nhiều năm mới khởi động được dự án chứ không thể làm ngay một lúc. Trong luật cũng cần bổ sung các quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân, giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường khảo sát về tiềm năng nhiên liệu hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát về tiềm năng xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam.

“Các dự án điện hạt nhân ở góc độ an toàn, ổn định và giá thành chấp nhận được là nguồn thay thế cho năng lượng hóa thạch không còn nhiều ngưỡng khai thác trong tương lai nữa”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề tái khởi động lại dự án điện hạt nhân, tham gia góp ý, PGS TS Vương Hữu Tấn – nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay, vấn đề về bảo đảm an toàn trong phát triển điện hạt nhân là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Khi nhắc đến điện hạt nhân, chắc hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức liên tưởng đến các tai nạn của 2 nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl (Liên bang Nga) và Fukushima (Nhật Bản). Không có bất kỳ một lĩnh vực nào có thể an toàn tuyệt đối cả. Vấn đề là an toàn thế nào là chấp nhận được và sau mỗi tai nạn cần tìm ra nguyên nhân để không mắc phải trong tương lai.

Tai nạn tại Chernobyl là do lò phản ứng không đáp ứng các yêu cầu an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tai nạn tại Fukushima là do công nghệ của nhà máy này thuộc thế hệ cũ (thế hệ II), không đáp ứng yêu cầu về động đất và sóng thần lớn xảy ra đồng thời.

Theo vị chuyên gia này, sau các sự cố kể trên, IAEA đã xây dựng các tiêu chuẩn an toàn mới cho các nhà máy điện hạt nhân. Các nhà máy hiện có trên toàn thế giới được yêu cầu phải đánh giá lại an toàn theo tiêu chuẩn mới và nâng cấp hệ thống an toàn phù hợp.

Đặc biệt, đối với các nhà máy điện hạt nhân xây dựng mới, phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, trong đó có tiêu chuẩn bảo đảm an toàn ngay cả trong sự cố giả định nghiêm trọng, nhất là nóng chảy vùng hoạt cũng không ảnh hưởng đến môi trường (bẫy vùng hoạt sẽ giam giữ các nhiên liệu nóng chảy).

“Về công nghệ hoàn toàn giải quyết được các kịch bản sự cố tai nạn, kể cả sự cố nghiêm trọng nhất để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức con người. Vì vậy, để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân và có cơ chế quản lý an toàn nghiêm ngặt của cơ quan pháp quy hạt nhân là hết sức cần thiết”, vị này bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Cần chiến lược rõ ràng, nhất quán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO