Đó là "than thở" của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khi nói đến môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua.
Ông Nguyễn Đình Cung còn đặc biệt lo ngại khi hai chỉ số mà theo ông là cực kỳ quan trọng nhưng đang được xếp hạng rất thấp, trong 5 năm vừa rồi về căn bản không có thay đổi gì. Đó là chỉ số phá sản doanh nghiệp đã giảm 29 bậc sau 5 năm và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc.
Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này để vượt được ngưỡng cần có thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ không thể lên được, ông Cung nhấn mạnh.
Có thật sự bi quan?
Tại hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Sau 5 năm, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc”.
Có 6 chỉ số tăng hạng bao gồm: Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37; Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc lên thứ 131; Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc lên thứ 89; Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc lên thứ 104; Tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc lên thứ 32 và Cấp phép xây dựng tăng 1 bậc lên thứ 21.
Ngược lại, 4 chỉ số giảm bậc là: Đăng ký tài sản giảm 17 bậc từ thứ 33 xuống 60; Thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới xuống thứ 100; Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc xuống thứ 62 và Giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc xuống thứ 133.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 26 bậc sau 5 năm với 6/7 chỉ số tăng hạng, chỉ duy nhất chỉ số Trình độ phát triển của doanh nghiệp giảm 7 bậc.
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp.
“Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27), thậm chí còn kém Brunei (thứ 55) 14 bậc”, bà Thảo thông tin thêm.
Thừa nhận những cải thiện của môi trường kinh doanh trong thời gian qua nhưng khi tiếp lời bà Thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng trên thực tế là doanh nghiệp vẫn chưa cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh.
“Những thay đổi chủ yếu vẫn nằm trên báo cáo mà thôi”, ông Cung than thở.
Vẫn còn tình trạng... bớt một thêm hai
Theo bà Thảo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế như: Chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến.
Bên cạnh đó, "sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với địa phương còn chưa chặt chẽ, chủ động và một số cải cách còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thái độ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa tích cực", bà Thảo nhận định.
Cũng đăng đàn tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết vẫn có tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
“Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn nêu ví dụ về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.
Do đó, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2019 đạt kết quả như kỳ vọng, ông Tuấn đưa ra khuyến nghị: "Năm 2019 và những năm tới, cần làm bài bản hơn trong việc rà soát các điều kiện gây khó khăn, cản trở thị trường. Phải làm rõ tiêu chí cách nào đặt ra điều kiện kinh doanh, hiện Luật Đầu tư khá chung chung. Tiêu chuẩn quốc phòng, sức khỏe mới nên đặt điều kiện.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh, Luật Đầu tư có từ lâu nhưng quy định này chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, điều kiện gia nhập thị trường của Việt Nam được WB đánh giá tăng bậc nhưng còn hạn chế, hiện nay chủ yếu Việt Nam chỉ được đánh giá tốt ở đăng ký thủ tục đầu tư chứ chưa thực sự gỡ bỏ các điều kiện tự do tham gia thị trường như kỳ vọng", ông Tuấn nêu quan điểm.