Còn khá nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng về thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ NNN&PTNT và cho rằng nhiều thủ tục khó thực hiện.
Theo công văn gửi các bộ, ngành mới đây, Bộ NN&PTNT đã xác định danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ này là 1.675 dòng hàng, tỷ lệ cắt giảm là 78,2%.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới đây, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số bộ ngành đã có hành động cụ thể nhưng kết quả thực tế chung vẫn chưa được như mong đợi. Mới có khoảng 6% số mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải KTCN... Thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, xấp xỉ gấp 3 lần so với các nước ASEAN-4.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 31/08/2018
21:43, 14/08/2018
14:26, 24/07/2018
11:17, 24/07/2018
Một mặt hàng chịu quản lý của nhiều bộ
Theo khảo sát của VCCI, còn khá nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng về thực hiện thủ tục KTCN của Bộ NNN&PTNT và cho rằng nhiều thủ tục khó thực hiện. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá, các bộ nói chung và Bộ NN&PTNT nói riêng vẫn tồn tại bất cập về KTCN. Cụ thể, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của các đơn vị khác nhau trong cùng một bộ hay một mặt hàng chịu quản lý, KTCN của hai bộ trở lên.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện một sản phẩm vẫn còn liên quan đến 3 luật: Luật Thú y, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm. Nếu bị KTCN, doanh nghiệp phải xuất trình đủ các giấy tờ liên quan…
Một bất cập khác được doanh nghiệp đề cập là danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan vẫn quy định quá rộng. Ví dụ, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định các sản phẩm chế biến từ sữa thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này là quá rộng và không cần thiết đối với các sản phẩm sữa đã qua chế biến, gia nhiệt vì không còn khả năng gây ra dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị, các cơ quan quản lý chỉ kiểm dịch động vật đối với sản phẩm sữa tươi hoặc sơ chế để rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Theo Dự thảo thông tư đang được Bộ NN&PTNT xây dựng nhằm đơn giản hóa thủ tục và thống nhất các quy định về KTCN và mã HS lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa phải KTCN trước thông quan thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT là 1.675 dòng hàng, đạt tỷ lệ cắt giảm là 78,2%. Các dòng hàng còn mã HS còn 3.229 (giảm so với 7.698 hiện hành).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), kết quả rà soát này căn cứ trên nguyên tắc rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện KTCN là chỉ giao một đơn vị thuộc bộ thực hiện KTCN đối với những hàng hóa hiện đang chịu sự quản lý nhiều đơn vị. Đồng thời, thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với danh mục giống thủy sản nhập khẩu thông thường; đơn giản hóa, lược bỏ những mặt hàng đã qua chế biến sâu; thực hiện giảm tần suất kiểm tra đối với hàng hóa là đối tượng kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản..
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý IV/2018, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thành việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN, sửa đổi bổ sung danh mục hàng hóa phải gắn mã HS và ban hành danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan thuộc phạm vi quản lý Bộ NN&PTNT. Đồng thời, hoàn thành phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC về KTCN; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.