Nếu không được kiểm soát chặt, việc miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu giá trị nhỏ có thể trở thành lỗ hổng lớn, tạo nguy cơ gian lận trong thương mại điện tử.
Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, hợp lý và hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết. Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (Dự thảo) đang lấy ý kiến góp ý, với một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, quy định này đang đặt ra nhiều băn khoăn về khả năng bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách và tạo bất bình đẳng cho hàng hóa trong nước.
Góp ý Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khoản 1 Điều 11 Dự thảo đang dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu).
Tuy nhiên, quy định này có thể chưa thực sự phù hợp với đặc điểm thương mại điện tử và có thể tạo ra lỗ hổng trong thiết kế chính sách. Theo VCCI, năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỉ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Như vậy, với quy định tại Dự thảo dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa thương mại điện tử sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước.
VCCI chỉ ra rằng, cách thức thiết kế hiện tại vẫn dựa trên tư duy của hoạt động nhập khẩu truyền thống, trong khi có sự khác biệt rõ rệt giữa hai hình thức. Cụ thể, nếu như trong mô hình nhập khẩu truyền thống, người nhập khẩu là các doanh nghiệp có đăng ký rõ ràng, được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng trong nước, thì trong thương mại điện tử, người mua là các cá nhân với thông tin rời rạc, khó xác minh. Trong khi đó, thông tin về người bán (kể cả người bán nước ngoài) rõ ràng hơn nhiều so với người mua, kiểm soát bởi sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, do thói quen mua sắm dựa vào đánh giá và độ tin cậy, đơn hàng thường tập trung vào một số lượng người bán nhất định, giúp việc giám sát tập trung và hiệu quả hơn.
Với đặc điểm này, VCCI đề xuất chuyển hướng chính sách từ quản lý theo người mua sang quản lý theo người bán. Theo đó, những người bán có số lượng đơn hàng nhỏ trong năm có thể tiếp tục được hưởng cơ chế miễn kiểm tra chuyên ngành, trong khi các người bán có số lượng đơn hàng lớn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ về giấy phép và kiểm tra tương tự như hoạt động chuyển phát nhanh. Đây là cách tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro, tập trung kiểm soát vào những đối tượng có khả năng gây rủi ro cao nhất về chất lượng hàng hóa và thất thu thuế.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến nhấn mạnh, quy định miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tuy có mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, nhưng nếu không kiểm soát tốt sẽ trở thành kẽ hở cho hành vi lách luật. Thay vì quản lý theo người mua như truyền thống, việc chuyển sang quản lý theo người bán được đánh giá là phù hợp hơn với thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sương, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc miễn thuế và miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có giá trị nhỏ không phải là một chính sách sai, nhưng nếu không được thiết kế hợp lý thì sẽ rất dễ bị lợi dụng để lách luật.
“Đây là chính sách đặc thù, cần kiểm soát nghiêm. Việc chuyển sang quản lý theo người bán là hợp lý và đúng xu hướng quốc tế. Quan trọng là phải sửa ngay từ cơ chế, chứ không thể chỉ xử lý ở khâu thực thi”, luật sư Sương nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Nguyễn Sương, các kiến nghị của VCCI là hợp lý và có tính khả thi cao, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành đang dần hụt hơi trước tốc độ phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc thay đổi cơ chế quản lý không chỉ giúp bịt lỗ hổng chính sách, hạn chế thất thu ngân sách, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.