Để đấu tranh chống hàng giả và các hành vi gian lận thương mại, minh bạch môi trường thương mại điện tử, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ, ghi nhận những dấu ấn tích cực trên bản đồ kinh tế số. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25% so với năm trước, với tỷ trọng chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ.
Sự phát triển mạnh mẽ này là kết quả từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng sự nỗ lực phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng lợi dụng nền tảng số để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Thậm chí, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 3.400 vụ, trong đó riêng lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xử lý 1.256 vụ, xử phạt vi phạm hàng chính trong năm 2024 đạt con số lớn với khoảng 1,9 triệu USD, trị giá hàng hóa tịch thu, xử lý khoảng gần 2 triệu USD.
Thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng đều trở thành đối tượng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Nguyễn Thanh Bình cảnh báo, xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp chân chính mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm méo mó môi trường kinh doanh và kìm hãm sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.
Theo ông Bình, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tệ, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng đóng vai trò then chốt. Người tiêu dùng cần trở thành những "người mua hàng thông thái", biết cách phân biệt sản phẩm chính hãng, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên mạng.
“Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp ba bên Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải chủ động sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thương mại điện tử, siết chặt chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát các nền tảng thương mại điện tử; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để cảnh báo kịp thời”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm cần sự nỗ lực đồng bộ của các bên, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, xác minh để chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời thông qua chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe, "nếu như vi phạm pháp luật hình sự thì phải xem xét trách nhiệm hình sự để xử lý về hình sự".
Còn đối với doanh nghiệp, ông Thuỷ cho rằng, cần áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để tăng sản phẩm, thu nhập.
"Doanh nghiệp không chỉ cần nghĩ đến lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử", ông Thủy nhấn mạnh.
Xoay quanh vấn đề này, để mang lại hiệu quả cao hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường hợp tác giữa các đại diện thương hiệu, cơ quan thực thi và nền tảng thương mại điện tử nhằm phát hiện và xử lý vi phạm một cách nhanh chóng, đồng bộ. Việc xây dựng cơ chế phối hợp tác nghiệp giữa các bên là rất quan trọng. Các đại diện thương hiệu cần chủ động chia sẻ thông tin về sản phẩm, dấu hiệu nhận diện hàng giả, phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Các nền tảng thương mại điện tử phải tích cực tham gia sàng lọc, rà soát người bán và sản phẩm được giao dịch trên hệ thống của mình. Đồng thời, cần xây dựng kênh tiếp nhận cảnh báo sớm từ phía người tiêu dùng. Khi phát hiện sản phẩm nghi vấn, người mua có thể dễ dàng gửi phản ánh đến cơ quan chức năng hoặc nền tảng thương mại điện tử để kịp thời xử lý. Cơ chế này vừa tận dụng được nguồn lực xã hội, vừa tạo sự gắn kết giữa người tiêu dùng và hệ thống quản lý.