Để phù hợp thực tế phát triển và tăng tính khả thi, theo chuyên gia, Dự thảo Luật Thương mại điện tử cần quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia...
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. Vì vậy, việc sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết...
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 25 tỷ USD. Trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số Việt Nam, thương mại điện tử chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Để quản lý lĩnh vực này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các chính sách hiện hành được cho đã bộc lộ những tồn tại và hạn chế như: Tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao và thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm; Chưa có quy định điều chỉnh các mô hình thương mại điện tử mới, trong đó có các nền tảng dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và thương mại qua mạng xã hội; Thiếu cơ chế cụ thể đối với các chủ thể tham gia thương mại điện tử, đặc biệt trong việc xác định quyền và nghĩa vụ… Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xử lý vi phạm, tạo nguy cơ gia tăng gian lận thương mại và trốn thuế.
Đồng tình với sự cần thiết sớm ban hành Luật Thương mại điện tử và các nhóm chính sách lớn trong Dự thảo Luật đã đề xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, một số số ý kiến đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung vào Dự thảo Luật một số nội dung như: Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mô hình đặc thù, thương mại điện tử xuyên biên giới; Vai trò, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử;…
Tham gia góp ý Dự thảo Luật, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, các quy định trong Luật Thương mại điện tử cần mang tính bao quát đồng thời phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đưa ra những khái niệm chính xác về các công nghệ mới có ảnh hưởng tới giao dịch thương mại điện tử thời gian tới. Khi xây dựng Luật Thương mại điện tử cần có quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia, nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý và quyền lợi của mỗi bên.
Ngoài ra, việc định danh và xác thực sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, các giao dịch thương mại điện tử là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và các cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia và tăng tính pháp lý cho các giao dịch khi Việt Nam tham gia thương mại điện tử toàn cầu.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Luật Thương mại điện tử phải là một trong những điểm tựa pháp lý để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử và bảo vệ lợi ích tối đa của các đối tượng liên quan. Luật cần tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ mới, công nghệ cao, mở đường cho sự phát triển tối đa không gian thương mại điện tử, từ đó tạo sự bứt phá mới cho thương mại điện tử.
“Cần có tính liên thông quốc tế trong Luật giúp các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam hội nhập thị trường rộng lớn toàn cầu. Bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thanh toán, quản lý thuế…”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Được biết, tại Dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành; Quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp;
Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; Quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy, nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử; Quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Đến nay, Dự thảo Luật đã nhận được ý kiến góp ý của hơn 90 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, trong đó có 20 bộ, ngành cơ quan của Chính phủ, 63 ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội và một số tổ chức doanh nghiệp.