Khởi nghiệp

Vườn ươm thương mại điện tử xuyên biên giới

Thanh Hương 05/04/2025 8:07

Đã có nhiều nhóm khởi nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc đến Việt Nam với hy vọng được hợp tác với các đối tác của nước ta để cùng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Có thể trong ấn tượng của người Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc có rất nhiều sản phẩm giá rẻ, song đằng sau những sản phẩm đó là ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, ý tưởng kinh doanh tiên phong và đào tạo nhân tài có hệ thống.

Ong Phu 1
Ông Yang Lifu (Dương Lập Phu), Giám đốc Kho ươm tạo thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN chia sẻ về thách thức của thương mại điện tử toàn cầu và cơ hội ươm tạo thương mại điện tử xuyên biên giới cho startup Việt Nam – Nguồn ảnh: ICISE

Bài học quý báu từ Trung Quốc

Tại Hội nghị bàn tròn Thương mại điện tử xuyên biên giới và đầu tư khởi nghiệp tại Bình Định mới đây, ông Yang Lifu (Dương Lập Phu), Giám đốc Kho ươm tạo thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN; Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn hóa và Sáng tạo Zaochen Hạ Môn chia sẻ rằng: năm 1998, các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và 8848 ra đời, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên thương mại điện tử ở Trung Quốc. Năm 2003 trở thành bước ngoặt của ngành này, khi các nền tảng như Taobao và JD.com (Kinh Đông) nắm bắt cơ hội để bứt phá và đạt được giá trị thị trường lên đến hàng tỷ đô la Mỹ.

Từ năm 2010 đến đầu những năm 2020, với sự phổ biến của internet di động, các mô hình mới như thương mại điện tử di động, thương mại điện tử xã hội và thương mại điện tử qua livestream đã lần lượt xuất hiện.

Sau năm 2020 đến nay, ngành đã bước vào giai đoạn đổi mới và đa dạng hóa, với sự bùng nổ của các mô hình mới như thương mại điện tử dựa trên nội dung và sở thích, trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Đại diện cho giai đoạn này là các nền tảng như Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu.

Theo ông Dương Lập Phu, thành công của thương mại điện tử Trung Quốc được đúc kết gồm việc nắm bắt cơ hội từ sự thay đổi công nghệ, không ngừng đổi mới mô hình kinh doanh, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách của chính phủ. Những điều này có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng bùng nổ, tốc độ tăng trưởng nằm trong top 10 thế giới. Theo dự đoán, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 45 tỷ đô la Mỹ. Sự tăng trưởng này nhờ vào việc tỷ lệ sử dụng internet tăng cao và điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi.

Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng vào những năm gần đây, với quy mô tăng trưởng 28,5% vào năm 2023. Thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra không gian thị trường rộng lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là tiềm năng lớn ở trong nước, mà qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các sản phẩm có thể được xuất khẩu ra toàn cầu, mang lại vô tận khả năng cho những người khởi nghiệp.

Cơ hội cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam

Mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầy cơ hội, song cũng đang đối mặt với một số thách thức mà ông Dương Lập Phu chỉ ra. Cụ thể: chuỗi cung ứng và các dịch vụ hỗ trợ trong nước của Việt Nam chưa đủ mạnh, làm hạn chế khả năng cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường; cơ sở hạ tầng logistics cần được hoàn thiện, phạm vi và hiệu quả của dịch vụ chuyển phát nhanh cần được nâng cao.

Hiện nay, hơn 1/3 giao dịch thương mại điện tử vẫn dựa vào thanh toán bằng tiền mặt (COD), điều này đã phần nào hạn chế sự tiện lợi và an toàn của giao dịch thương mại điện tử. Ngành thương mại điện tử cần những người có kiến thức chuyên môn và kỹ năng, song Việt Nam hiện nay vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Những thách thức này cần sự nỗ lực chung của những người khởi nghiệp và sự quan tâm từ Chính phủ để vượt qua bằng cách tối ưu hóa logistics, phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao sức cạnh tranh và bồi dưỡng nhân tài...

Đồng thời, các nhóm khởi nghiệp thương mại điện tử đến từ Trung Quốc rất mong muốn trở thành đối tác của các đồng nghiệp Việt Nam, cùng nhau đối mặt với cơ hội và thách thức của thị trường thương mại điện tử toàn cầu.

Cũng theo ông Dương Lập Phu, hiện tại, tôi đang tập trung thúc đẩy ứng dụng AI trong lĩnh vực thương mại điện tử và sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. Cơ sở ươm tạo thương mại điện tử của tôi ở Trung Quốc đã tập hợp hàng chục nhóm thương mại điện tử xuất sắc và đã thực hiện hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử với hơn 20 trường đại học ở Đông Nam Á. Tôi hy vọng có thể tận dụng cơ hội này để gặp gỡ những người có cùng chí hướng ở Việt Nam.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam không chỉ có tiềm năng lớn ở trong nước, mà qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các sản phẩm có thể được đưa ra toàn cầu, mang lại vô tận khả năng cho những người khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vườn ươm thương mại điện tử xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO