Khi thương mại điện tử, công nghệ số bùng nổ, các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu đã lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều hành vi vi phạm với những thủ đoạn tinh vi.
Đây là thông tin được ông Phạm Quốc Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra phòng chống buôn lậu, Cục Hải quan đưa ra tại tọa đàm “Phòng, chống buôn lậu thuốc lá - nhiều thách thức đặt ra” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.
Thống kê của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho thấy, từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 1.474 vụ việc, xử lý 1.263 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Mặc dù tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có hiệu lực từ 1/1/2025 với mức xử phạt cao nhất lên tới 400 triệu đồng nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Song trên thực tế, dù các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không còn bày bán công khai như trước đây nhưng hoạt động mua bán sản phẩm trên vẫn rất sôi nổi trên các hội, nhóm mạng xã hội hoặc được bán lén lút tại nhà riêng. Khi có nhu cầu mua, những tài khoản mạng xã hội của người bán sẽ hướng dẫn người mua inbox trực tiếp hoặc trao đổi qua số điện thoại hay zalo để giao dịch.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho hay, phần lớn các giao dịch diễn ra trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong các hội nhóm kín, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện và xử lý. Đồng thời, các phương thức vận chuyển cũng trở nên tinh vi, lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn quốc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.
Ông Nguyễn Đức Lê – đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhận định rằng, tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới đường bộ, đường biển đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá mới. Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã thu giữ 240.000 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng 200.000 bao thuốc lá điếu truyền thống. Số liệu này cho thấy, tỷ trọng thuốc lá mới nhập lậu ngày càng chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Do đó, việc xác định nguyên nhân cốt lõi, từ cơ chế chính sách, công tác quản lý hay nhận thức của người dân, trở thành điều kiện cấp thiết để định hướng chiến lược phòng, chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Góp ý kiến về những thách thức gặp phải khi áp dụng Nghị quyết 173, ông Phùng Danh Tuyến - Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Thứ nhất, việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành văn bản hướng dẫn về các sản phẩm thuốc lá khiến các cơ quan thực thi thiếu sự thống nhất trong xử lý vi phạm. Thứ hai, việc kiểm soát hành vi sử dụng và xử lý vi phạm đối với các đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như khách du lịch nước ngoài, vẫn chưa có quy định rõ ràng. Đồng thời, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi với các hình thức như giao dịch trong các hội nhóm kín, giao hàng trực tiếp, sử dụng từ lóng để quảng cáo... khiến công tác quản lý trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trở nên phức tạp. Thứ ba, việc triển khai quản lý toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong công tác thu giữ và tiêu hủy sản phẩm nhập lậu, đặt ra bài toán về phân bổ nguồn lực và ngân sách Nhà nước.
Để tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê - đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, các cơ quan chức năng cần tổ chức các đợt truy quét định kỳ và triệt phá các đầu mối lớn thay vì chỉ xử lý các vụ vi phạm nhỏ lẻ. Việc áp dụng công nghệ hiện đại như AI, các hệ thống giám sát tự động tại biên giới và phân tích dữ liệu từ mạng xã hội là một giải pháp quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Một yếu tố không thể thiếu trong công tác phòng chống là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của thuốc lá lậu đối với sức khỏe và sự phát triển của đất nước là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cũng cần chủ động hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm.