Nơi đảo xa, giữa muôn ngàn bão tố phong ba, Trường Sa vẫn luôn hiện hữu những khu tăng gia chăn nuôi, trồng trọt, trong đó không thể thiếu những chú “heo vàng”.
Chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, cũng những bàn tay chai sạn nơi “đầu sóng, ngọn gió” ấy đã gây dựng nên sức sống mãnh liệt cho đảo, để minh chứng rằng: “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Sức sống mãnh liệt
Là đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 2,1km2, An Bang không có giếng nước ngọt, chất đất là cát sạn, san hô nghèo chất dinh dưỡng nên cây cối, vật nuôi trên đảo rất khó phát triển.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên với cô gái lần đầu đặt chân đến An Bang là một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng bàng vuông, phong ba... Dưới tán lá cây lâu năm là mướt mát những những luống rau. Góc xa rộn ràng tiếng gia cầm, tiếng heo ủn ỉn…
Hạ sỹ Đặng Duy Thường đang ngắt rau cho bữa cơm chiều trên đảo, niềm nở chỉ cho tôi từng luống rau xanh của từng phân đội. Đặc biệt, khu chuồng trại chăn nuôi heo trên đảo, dù nhỏ nhưng không khác gì đất liền. “Căn nhà” cho những chú ỉn được xây dựng kiên cố, chia 3 chuồng ngăn nắp, sạch sẽ. Mỗi chuồng từ 1 – 2 chú ỉn đang độ lớn, mặt mày lanh lợi, xăng xái, chạy tới chạy lui…
Với đất liền, một khu chuồng trại như vậy là bình thường, nhưng với điều kiện thiếu thốn mọi bề ngoài đảo, để trộn được xô vữa, chồng từng hàng gạch là công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt.
Ở cái “tuổi đôi mươi chưa từng hò hẹn”, Đặng Duy Thường đã quyết tâm rời miền quê Tứ Kỳ, Hải Dương, xung phong vào bộ đội, huấn luyện tân binh tại Trung tâm 456 (chuyên ngành cối 82) 6 tháng trước khi ra An Bang từ đầu năm 2018.
Chàng trai có đôi mắt trong trẻo nhưng khuôn mặt đã toát lên sự rắn rỏi, can trường, với ước mơ sau này trở về đất liền được làm nghề cơ khí, vuốt ve những chú ỉn da bóng, lông mượt, nhất là cái mũi màu hồng, ươn ướt cứ nghếch lên hít hít… như người bạn thân thiết, hồn nhiên: “Heo ở đây không chăn nuôi công nghiệp, lại được tôi luyện nên “mình đồng da sắt” lắm chị à”.
Thường cho tôi biết, ngoài ít bột cám được tích trữ, dành dụm từ đất liền gửi vào, thì anh em chiến sỹ còn gia tăng khai thác hải sản, chế biến cám, cơm, cháo cho heo. Nhưng gian nan nhất vẫn là nước ngọt cho những chú ỉn. Nước tưới rau là nước sinh hoạt hàng ngày, tích chứa vào các bồn. Nhiều khi, anh em hy sinh bớt phần nước ngọt được tính bằng cốc dùng cho sinh hoạt, để nhường cho heo…
Từng nghe chuyện người Israel nuôi trồng trên sa mạc, chắt chiu từng giọt nước, có lẽ cũng không hơn được những người lính ở Trường Sa. Chuyện tiết kiệm nước của các anh còn liên quan đến những ngư dân đang đánh bắt quanh vùng. Những chuyến biển dài ngày luôn thiếu nước ngọt, lúc ấy đảo chính là những kho nước ngọt quý giá. Thường cho biết: “Bộ đội phải chắt chiu từng giọt nước nhưng khi ngư dân cần thì vui vẻ hỗ trợ ngay, thậm chí chúng tôi coi đó là nhiệm vụ”.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 08/02/2019
06:09, 08/02/2019
06:00, 08/02/2019
05:07, 08/02/2019
20:40, 07/02/2019
14:57, 07/02/2019
11:48, 07/02/2019
07:23, 07/02/2019
06:02, 07/02/2019
06:00, 07/02/2019
05:00, 07/02/2019
11:00, 06/02/2019
17:40, 05/02/2019
14:07, 05/02/2019
11:17, 05/02/2019
Dậy “heo” từ thuở còn thơ…
Nếu tăng gia sản xuất trên An Bang – một đảo nổi của quần đảo Trường Sa đã khó khăn, thì với đảo chìm như Tốc Tan, khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội.
Đại úy Lê Hoàng Kiên - Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B là người Quảng Ninh, nước da đen sạm vì nắng gió. Ra Trường Sa từ 4 năm trước, bắt đầu từ Colin, đến Tốc Tan hơn 1 năm nay, anh Kiên đã nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc cùng sự khắc nghiệt của vùng biển đảo này.
Anh cho biết: "Thời tiết khắc nghiệt khiến gia súc, gia cầm khó “trụ” được với đảo. Cứ mang ra nuôi 10 con thì chết hết 9. Với mong muốn đảo trồng được rau xanh, nuôi được gia súc, gia cầm, sau thời gian tìm hiểu, để gia súc, gia cầm thích nghi dần với môi trường, cán bộ, chiến sĩ ấp vịt con từ những quả trứng mang ra từ đất liền, chăm sóc heo từ lúc nhỏ, mới tách mẹ để chúng lớn lên trong nắng gió Trường Sa! Và rồi, heo, vịt thích nghi dần với môi trường khí hậu khắc nghiệt trên đảo…".
Mặc dù phải chắt chiu từng giọt nước ngọt, từng nắm đất màu mỡ, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đảo Tốc Tan đã vượt qua khó khăn, không chỉ xây dựng được 2 nhà vòm trồng rau với các loại: Rau muống, mồng tơi, cải xanh... và một số rau gia vị như lá lốt, lá mơ, tía tô, húng... mà còn đầu tư được chuồng heo kiên cố, mỗi năm nuôi được 5 – 6 tạ heo.
An Bang, Tốc Tan hay bất kỳ đảo nổi, đảo chìm nào của Trường Sa nơi tôi đã qua, chứng kiến các chiến sĩ hải quân khắc phục được điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống, duy trì hoạt động tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo sức khỏe để rèn luyện và chiến đấu, càng khâm phục ý chí quật cường, không ngại khó, ngại khổ, vươn mình mạnh mẽ, để giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo quê hương.
Tôi càng thấm thía câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” mà một chiến sỹ hát tặng đoàn chúng tôi trên hải trình đến với Trường Sa. Và chúng tôi xin mãi được tiếp khúc hát về họ, về “Những người sống vì mọi người/Ngày đêm canh giữ đất trời/Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân…”