CẢM XÚC XUÂN: Ăn Tết với đồng bào Cơ Tu

TUẤN VỸ 03/02/2022 04:00

Ngày Tết của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi phía Tây Quảng Nam luôn có nét riêng thông qua tập tục xông đất đầu năm, cùng các điểm du xuân và văn hóa ẩm thực độc đáo.

>>CẢM XÚC XUÂN: Tết với người ở lại

Đối với đồng bào Cơ Tu, ngày Tết có một ý nghĩa quan trọng, do đó mọi hoạt động trong ngày Tết đều được chú trọng, tỉ mỉ thực hiện.

Xông đất đầu năm

Ngay sáng mồng Một Tết, những già làng, trưởng bản của đồng bào Cơ Tu đã đến các hộ gia đình trong làng để chúc tết, xông đất đầu năm mới. Tập tục độc đáo này được đồng bào duy trì từ rất nhiều năm qua với các hình thức vui xuân đầy ý nghĩa.

Tục xông đất của đồng bào Cơ Tu mang giá trị ý nghĩa rất độc đáo, không chỉ thể hiện tấm lòng của khách đối với chủ nhà, mà còn thắt chặt thêm sự gắn kết làng bản, cũng như tạo được tâm lý năm mới đầy phấn khởi. Theo đó, khi đến xông đất, tâm lý người khách bao giờ cũng muốn tạo được sự tin tưởng nhất định đối với chủ nhà về một năm mới sẽ luôn an lành, có thật nhiều sức khỏe và mùa màng bội thu. Đó cũng chính là hàm ý tốt đẹp trong tục xông đất của đồng bào Cơ Tu.

Để gọi là “xông đất”, người đến “xông” phải đến thật sớm và chuẩn bị tâm lý mang những điều tốt lành nhất đến với chủ nhà. Theo đó, những người lớn tuổi có uy tín, những già làng, trưởng bản,… thường được giao nhiệm vụ đến xông đất đầu năm của các hộ dân trong làng.

Nét ẩm thực độc đáo, phong tục lâu đời luôn được người đồng bào Cơ Tu lưu giữ.

Nét ẩm thực độc đáo, phong tục lâu đời luôn được người đồng bào Cơ Tu lưu giữ

Những người này luôn được đồng bào kính nể và đặt niềm tin may mắn cho gia đình, cùng dân làng trong năm mới. Tập tục này thường chỉ được tính trong buổi sáng mồng Một tết, do vậy khi chưa có người đến xông đất, vì rất nhiều lý do nên người trẻ thường rất ngại đến thăm nhà của nhau. Vì thế, sau cúng giao thừa, người Cơ Tu xem tục xông đất như một nghi lễ đầu tiên đón chào năm mới của mình.

Ngoài chúc nhau những lời may mắn, an lành trong năm mới, chủ nhà và khách đến xông đất còn biểu hiện tình cảm của mình thông qua cách thăm hỏi, động viên và cùng nâng ly rượu mừng năm mới đầy niềm tin và kỳ vọng. Ngày nay, khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đồng bào Cơ Tu không còn bó hẹp đối tượng xông đất. Vì vậy, những người trẻ tuổi, nếu được đồng bào tin yêu, tôn trọng vẫn có thể đến xông đất thể theo lời mời của chủ nhà.

Âm thực truyền thống độc đáo

Trước Tết một tháng, người Cơ Tu sẽ chuẩn bị các món ăn truyền thống, các ghè rượu cần và trang trí nhà cửa sạch đẹp cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác. Ở một số vùng người Cơ Tu sinh sống, ngày Tết ngoài những món ăn thông thường còn có cả món z’rúa (thịt ủ chua trong ống nứa), z’ră (thịt ống thọc nhuyễn), rượu Tà-vạt, Tr’đin (một loại rượu lấy từ thân cây đoác);… với nhiều mùi vị đặc trưng được đồng bào chế biến mang nét riêng núi rừng.

Đây là những món ngon chỉ xuất hiện trong những ngày lễ hội, lễ Tết quan trọng của đồng bào và thường chỉ dành cho khách quý. Cũng như nhiều cộng đồng dân cư miền núi khác, đồng bào Cơ Tu thường rất coi trọng ngày Tết Nguyên đán.

Nếu như người miền xuôi quan niệm tết là để vui chơi thì với đồng bào Cơ Tu, ngày tết chính là dịp để “ăn chơi” sau những tháng ngày lam lũ mưu sinh. Ngày Tết cũng là dịp để người dân và du khách cùng thưởng thức những món ngon truyền thống. Qua đó, vừa thể hiện tài năng chế biến ẩm thực, vừa tạo không gian vui xuân đa sắc màu, đa phong cách mang đậm tính truyền thống và hiện đại.

Ngày Tết, vui cùng đồng bào Cơ Tu, hương vị ẩm thực níu bước chân lữ khách gần xa. Bên chén rượu cần say nồng, giọt nắng xuân ấm áp như gọi mời khúc giao duyên trong niềm hân hoan đón chào ngày mới. Tết vui như hội, khắp bản làng vang điệu khèn cùng những lời chúc nhau và tiếng cười giòn tan giữa sắc xuân ngập tràn.

Đối với đồng bào Cơ Tu, mỗi gia đình, dù giàu hay nghèo nhưng trên mâm đãi khách bao giờ cũng đầy đủ các món ăn từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, nhiều món ẩm thực truyền thống như bánh sừng trâu, rượu cần, thịt xông khói, ếch rừng,… được bài trí chật mâm, thể hiện tấm lòng mến khách của chủ nhà trong ngày lễ Tết.

Để chuẩn bị cho Tết đầu đủ, đồng bào Cơ Tu thường chuẩn bị rất sớm.

Các bà, các chị người Cơ Tu tập trung gói bánh sừng trâu – Cuốt, một hương vị không thể thiếu trong ngày Tết 

Ông Alăng Đàn, ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) cho biết ngày Tết đồng bào Cơ Tu thường chuẩn bị đủ các loại món ăn truyền thống để đãi khách. Do tập tục đi ăn Tết theo từng nhóm nên việc bài trí các món ăn trên mâm cũng tưng ứng với số lượng khách đến thăm.

“Theo tập tục, nếu trong nhóm khách đến thăm Tết có cả con rể của chủ nhà, thì một cuộc vui sẽ được diễn ra với không gian bữa tiệc khá thịnh soạn. Theo đó, những món ẩm thực ngon nhất sẽ được chủ nhà dọn ra và tiếp đãi khách với một tâm thế vui cùng nhà con rể”, ông Đàn cho hay.

Hương vị món Tết của người Cơ Tu đều từ những món săn được, nuôi trồng được trên rừng, trên rẫy, trong vườn. Già bảo, năm nay già mệt, không bẫy được nhiều thú. Nhưng đám trai làng thì đã chuẩn bị Tết từ rất lâu. Thịt nai, thịt chuột bẫy được, con trâu ngả lấy thịt đã được gác bếp từ nhiều tháng nay, dành để cúng Giàng và mời khách thăm nhau ngày Tết. Rượu tà vạt mùa trước cũng đã ủ men nồng đượm khắp các mái nhà của bà con Cơ Tu.

Món không thể thiếu trong mâm lễ cúng Giàng ngày Tết của người Cơ Tu với cơm lam và con gà mái tơ là món bánh sừng trâu - tiếng Cơ Tu gọi là Avị Cuốt.

Cuốt quan trọng trong dịp lễ lạt của người Cơ Tu như bánh chưng bánh tét trong ngày Tết của người xuôi. Đây là món bánh làm từ nếp nương vừa gặt vụ trước, gói bằng lá đót hái trên rừng đang vào mùa thu hoạch. Vị thơm của lá đót rừng, vị dẻo ngọt của hạt nếp ủ nắng gió vùng cao. Những người mẹ, người chị Cơ Tu dẻo tay gói bánh thành hình sừng trâu – loài linh vật trong đời sống tâm linh của bà con Cơ Tu.

Bánh được đem nấu chín và hong khô có thể để ăn dần cả tháng. Cuốt vừa là món ăn truyền thống, vừa là “đặc sản” không thể thiếu của mỗi nhà. Cuốt theo tay các thiếu nữ bày biện mời khách, theo chân các em nhỏ đến trường, theo gùi các mẹ, các anh lên rẫy vào rừng.

Với ẩm thực của đồng bào Cơ Tu, không phải ai cũng có thể chế biến một cách ngon đặc trưng. Bởi theo người Cơ Tu, ẩm thực được đánh giá ngon khi đáp ứng các tiêu chí về hương vị, độ giòn - đối với thịt xông khói, độ mềm thịt nấu đông…

Vì vậy, mỗi đặc trưng riêng đều được đồng bào nơi đây quý trọng. Với người dân, ngày Tết chính là dịp đặc biệt để thể hiện cái đặc trưng một cách rõ rệt nhất.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ chiều cuối năm ở TP HCM!

    CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ chiều cuối năm ở TP HCM!

    17:40, 31/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Đêm cuối năm và bát mì Soba

    CẢM XÚC XUÂN: Đêm cuối năm và bát mì Soba

    17:30, 31/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Bình tĩnh…Tết!

    CẢM XÚC XUÂN: Bình tĩnh…Tết!

    16:51, 31/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết với người ở lại

    CẢM XÚC XUÂN: Tết với người ở lại

    16:00, 31/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢM XÚC XUÂN: Ăn Tết với đồng bào Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO