Khi còn tuổi hoa niên, phút giao thừa chưa tạo cho tôi nhiều cảm thức. Chỉ đến khi thấm vị đời, thì cái giây phút chuyển giao giữa năm mới và năm cũ ấy, sao cứ làm cho lòng tôi chộn rộn, xuyến xao.
>>CẢM XÚC XUÂN: Lộc Xuân đang tới
Thời khắc chuyển giao, chuyển mùa, bước từ năm cũ sang năm mới ấy, chợt hóa thành phút giây thiêng liêng cho không riêng ai mà cho cả mọi người. Khi trời đất vạn vật chuyển mình, từ mùa Đông lạnh giá sang mùa Xuân ấm áp như nốt nhạc dạo đầu của một bản hoan ca. Thời khắc ấy đánh thức một chu kì, vòng tuần hoàn mới của năm, thổi bừng lên sức sống mới, và bản thân tôi, cũng thêm tuổi mới trong cuộc đời, ngẫm nghĩ về những gì làm được trong năm cũ và ước mong hoàn thành bao tâm nguyện trong năm mới.
Năm mới luôn đến cùng bao hy vọng tốt đẹp, bao nhiêu điều kiêng khem để giữ gìn sự may mắn trong năm mới. Đặc biệt là ngày mùng một Tết không ai được quét nhà, dọn rác, sợ làm mất đi lộc thần tài. Phong tục này có nguồn gốc từ một sự tích rất lâu đời của người Trung Quốc – Truyện kể rằng xưa kia có một người lái buôn may mắn được Thủy Thần ban tặng cho một người hầu, nàng có tên gọi là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu trong nhà, người lái buôn bỗng trở nên thật giàu có, mãi cho đến một năm nọ, đúng ngay ngày mồng 1 Tết, nàng hầu Như Nguyệt phạm lỗi nên bị ông chủ ra tay đáng đập và buông lời mắng nhiết thậm tệ. Nàng quá tủi thân nên đã biến vào đống rác để trốn, người lái buôn không hề hay biết, mang rác bỏ đi, kể từ đó, ông ta dần trở nên nghèo khó, khốn cùng. Bởi vì vậy mà quan niệm đổ rác vào ngày mùng một Tết sẽ làm cho tài lộc của gia đình mất hết được hình thành.
Năm nay, sau khoảng thời gian hơn hai năm chật vật với dịch bệnh COVID-19, cộng thêm đến các vấn đề về kinh tế, lạm phát, bóng ma chiến tranh…, người dân chỉ mong qua đi cùng ngày cũ để sang năm mới thật sáng tươi.
Và từ bao giờ trong tôi lại bâng khuâng nhớ tới giao thừa của Tết xưa, giao thừa trong căn nhà nhỏ nép trong khu vườn nhỏ, đêm thật sâu nơi hơi lạnh thật dầy, chỉ ấm sáng là bóng hồng bếp lửa, nồi luộc bánh chưng xanh cùng giò lụa. Chị em tôi vùi ngay dưới lớp tro mấy củ khoai chín thơm lừng đêm trừ tịch. Bên nồi bánh chưng, mẹ kể bao nhiêu chuyện, mà bây giờ như cổ tích với trẻ con. Chị bỏ than vào chiếc bàn là ủi lại tấm quần manh áo mới.
Trên ban thờ khói hương trầm nghi ngút, mâm ngũ quả bày nghiêm trang, tượng trưng cho thuyết ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, hay đó là cả niềm mong ước Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh? Bên cạnh mâm bầy các vật phẩm của cháu con có hộp mứt, có gà xôi, có rượu, thịt mồi… dâng cúng tổ tiên. Dưới ban thờ, bố tôi quần áo chỉnh tề thành tâm chấp lễ. Tiếng khấn quyện theo khói hương bay, gửi tấm chân thành và lời ước mong của cháu con đến tiền nhân, tiên tổ.
Lễ tất, bố hạ mâm cho anh chị em tôi thụ lộc, bao nhiêu là món ngon được trông đợi cả năm chỉ được ăn vào dịp Tết, nên giữa đêm khuya mà vị ngọt của giò lụa, chả quế, vị thơm của bát miến nấu, miếng thịt trong bánh chưng mềm ngậy, cứ còn đọng dư hương vị đến tận bây giờ.
>>CẢM XÚC XUÂN: Hương hoa ấm áp mùa Xuân
Qua giao thừa là sang ngày mồng một, anh chị em tôi mặc quần áo mới, đứng sắp hàng đợi bố lần lượt mừng tuổi cho từng đứa, những đồng tiền mới cứng. Anh chị em tôi sung sướng nhận tiền mừng tuổi, đút vào túi chiếc áo mới, rồi ríu rít theo mẹ đi lễ chùa làng. Đêm đượm hương Xuân, đâu đây vẫn đẹt đùng tiếng pháo, trên đường làng thấp thoáng bóng người đi lễ chùa, hái lộc Xuân ngay sau thời khắc giao thừa.
Gặp nhau là người làng rộn lên lời thăm, tiếng chúc cứ xôn xao:
- Chúc bác và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái.
- Chúc anh tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.
- Năm mới năm me cháu chúc cô ngày càng trẻ đẹp, làm ăn ngày càng tấn tới.
Tiếng chào, tiếng chúc cứ râm ran đến tận cổng chùa. Trong chùa đèn hương sáng rực, khói hương nghi ngút, mẹ tôi hạ thúng đội đầu, bày mâm sắp lễ, lễ chùa chỉ có lễ chay. Mà sao tôi rất nhớ vị xôi cúng ở chùa ăn ngon thật là ngon.
Lễ chùa và nhận lời chúc phúc của sư thầy xong, bao giờ mẹ tôi cũng thắp hương, đặt tiền công đức rồi ra chỗ cây đào trước cổng chùa để rút thăm. Những bài thơ chúc xuân được treo đầy trên cây đào trước cửa chính điện. Mẹ tôi lầm rầm khấn vái rồi nhẹ nhàng gỡ lá thăm Xuân. Có thượng xăm, trung xăm và hạ xăm, mà như là may mắn chả năm nào mẹ tôi rút phải hạ xăm.
Tôi nhớ mang máng có bài chúc mà mẹ tôi hay đọc.
“Cung chúc tân niên một chữ nhàn.
Chúc mừng gia quyến đặng bình an.
Tân niên đem lại niềm hạnh phúc.
Xuân đến rồi hưởng trọn niềm vui”.
Từ chùa về, anh chị tôi thường chọn mua cây mía lộc, mẹ dặn không được hái lá lộc từ cây trong chùa. Cây mía ấy sau mấy hôm ăn cỗ tết no ngấy được chẻ ra ăn thật là ngọt, mát tỉnh cả người.
Cái cảm giác đi trên đường làng đêm trừ tịch, nghe hơi sương bay phủ kín cánh đồng làng, níu áo mẹ bước thấp, bước cao đi cùng anh, chị, sao bây giờ thấy thật nhớ thật thương. Chỉ ước gì mình lại còn bé nhỏ, lại đi lễ chùa trong đêm khai Xuân. Lại thắp hương thành tâm khấn vái mọi đường, để tình quê thấm vào trong máu thịt.
Để gần Tết lại nôn nao mong đợi, dù trong lòng vẫn thương nhớ Tết xưa.
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm
05:00, 01/01/2023
19:58, 15/02/2022
02:04, 10/02/2022
01:14, 10/02/2022
11:00, 08/02/2022
09:47, 07/02/2022
02:00, 07/02/2022