Trong cái không khí ấm áp của tiết trời mùa Xuân không thể thiếu âm nhạc.
>>[CẢM XÚC XUÂN] Mong ước đầu năm nơi cửa khẩu Tân Thanh
Từ đầu tháng Chạp, đã nghe nhạc Xuân chen vào âm thanh của cuộc sống đời thường với biết bao tiết tấu đi vào lòng người. Với mỗi người, hình như ai cũng có một bài hát lắng đọng cùng mùa xuân của riêng mình.
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…” - Ca từ trong bài hát Ly rượu mừng cùa nhạc sĩ Phạm Đình Chương như một lời chúc Tết qua âm nhạc đến với khán thính giả qua nhịp điệu rộn ràng của điệu Valse trong cung trưởng tươi sáng. Những lời chúc như những ước mơ tươi sáng vào đầu năm mới: “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…Người nông dân ấm no...” và sự đoàn viên trong những ngày Tết đến xuân về: “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già. Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương. Rước con về hòa nỗi yêu thương” và hơn thế nữa là ước mong đất nước được thanh bình: “Chúc non sông hòa bình, hoà bình”. Hơn năm mươi năm trôi qua Ly rượu mừng vẫn được đón nhận bởi những người yêu âm nhạc khi hoa mai vàng trước ngõ.
Vẫn là điệu Valse dìu dặt yêu đời và yêu người, yêu Tổ quốc một cách đằm thắm, nồng nàn Mùa xuân đầu tiên được viết bằng những rung cảm của một bậc thầy trong làng âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Văn Cao. “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…” Bài hát được sáng tác vào một ngày giáp tết Bính Thìn (1976) - Đó là một cái tết thanh bình đầu tiên trên quê hương Việt Nam sau hàng chục năm chiến tranh, bơm đạn. Mùa xuân thanh bình đầu tiên ấy đã như một chất men làm bừng thức niềm cảm hứng sáng tác ẩn khuất trong ông từ lâu. Hòa trong niềm vui vỡ oà của đất nước là những cảm xúc riêng tư, giản dị nhưng nghe sao thật thiêng liêng, tinh tế: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người…”. Ca từ nhẹ nhàng, êm đềm thấm sâu vào lòng người một cách rất tình người.
Mùa xuân là mùa đoàn viên, hạnh phúc nhưng cũng có những lắng đọng với những kỷ niệm đời người. Ai lên xứ hoa đào - tình ca thơ mộng viết về bóng hoa đào mùa xuân trên thành phố cao nguyên Đà Lạt của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vẫn được ngân nga cùng du khách mỗi khi lãng du đến nơi đây vào trong tiết trời mùa xuân hay chợt nhớ về những hoài niệm hôm nào với thành phố mộng mơ này:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi…”.
Lời bài hát là tâm trạng của một chàng lãng tử ghé thăm Đà Lạt mùa xuân và yêu hình bóng con người, hình bóng hoa đào trên thành phố ấy:
“Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà lòng này thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ
Màu hoa trên má ai”.
>>[CẢM XÚC XUÂN] Ấm no vẫn có tương bần
>>[CẢM XÚC XUÂN] Tĩnh mịch chiều đông Lôi Âm
>>[CẢM XÚC XUÂN] Tết này con sẽ về nhà
Một bài tình ca mùa xuân thật sang trọng và trí tuệ khi vẻ đẹp lãng đãng, mờ ảo của khói sương, với màu hoa hòa quyện với mây trời Đà Lạt trong lòng nỗi nhớ của một tao nhân mặc khách.
Sự kết hợp giữa thơ ca và âm nhạc đã mang đến cho những người yêu nhạc một ca khúc hay – Anh cho em mùa xuân. Từ một bài thơ năm chữ - Nụ hoa vàng ngày xuân đầy ắp hình tượng và giàu cảm xúc của nhà thơ Kim Tuấn:
“Anh cho em mùa xuân.
Mùa xuân này tất cả.
Lộc non vừa trẩy lá.
Thơ còn thương cõi đời”…
Chất thơ đã được chấp cánh qua sự dồng cảm của nhạc sĩ Nguyễn Hiền với những ca từ thật đẹp và nguyên bản: “Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ…”. Ca khúc không những nói hộ được ý tác giả mà còn làm thăng hoa thêm câu chữ của người phổ nhạc. Những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng rất “ngọt” đi vào lòng người. Có một điều lạ là có nhiều người, thậm chí là ca sĩ nổi tiếng lại vô tư hát sai lời. Nhà thơ Kim Tuấn viết bài thơ để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh – vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, với ước mơ “đất mẹ gầy có lúa”, vậy mà nhiều người hát “đất mẹ gầy…cỏ lúa” hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”. Rồi “đồng ta xanh mấy mùa” được đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc “đồng xanh xa mấy mùa” làm mất hẳn ý nghĩa nguyên tác.
Trong các bài tình ca yêu đất nước, quê hương song hành cùng cảm xúc mùa xuân, không thể không nhắc đến các ca khúc mang âm hưởng chân nhạc Boléro nhưng với giai điệu đẹp, ca từ hay, reo vui phơi phới:
“Khi xuân sang trên bến cảng
Đàn hải âu tung cánh bay rợp trời.
Cảng của ta vui đón bao chuyến hàng
Những chuyến hàng bè bạn từ xa xôi.
Những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi”...
(Bến cảng quê hương tôi - nhạc sĩ Hổ Bắc)
Với những người yêu nghề giáo, chắc hẳn luôn nhớ đến ca khúc Cô đi nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với những ca từ thật chân phương nhưng rất ngọt ngào với làn điệu trẻ trung, tươi sáng:
“Mùa xuân ai đi hái hoa,
Mà em đi nuôi dạy trẻ.
Sao em muốn đàn em mau khỏe,
Sao em muốn đàn em mau ngoan”…
Những bài hát như những thông điệp của người nhạc sĩ gửi đến con người và cuộc sống vì vậy hãy luôn trân trọng những tác phẩm nghệ thuật mang lại hương vị cho dời, trong đó có những nhạc phẩm về mùa xuân - Mùa đầu tiên của một năm với không khí thiên nhiên tươi đẹp mang lại cho con người niềm vui, nguồn sống, tình yêu và cả những hoài niệm.
Hãy lắng nghe những âm thanh, giai điệu tuyệt vời của mùa xuân để cùng nhau đón chào một năm mới như ý nhé!
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Tài liệu tham khảo
1/ Ngày trong nếp ngày – Lê Minh Quốc, NXB Hội Nhà Văn, 2015.
2/ 60 bóng hồng trong âm nhạc - Hà Đình Nguyên, NXB Trẻ,2017.
3/ Lắng nghe giai điệu Boléro - Vũ Đức Sao Biển, NXB Trẻ, 2019.
4/ Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ - Lê Văn Nghĩa, NXB Trẻ, 2020.
5/ Gỉn giữ âm xưa - Trần Danh Thuỳ & Bùi Lệ Cơ, NXB Hội Nhà Văn,2022.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 11/01/2023
10:18, 10/01/2023
05:00, 10/01/2023
04:00, 09/01/2023
01:00, 08/01/2023