Đúng như dự đoán, tình trạng đập hoa, chặt bỏ cây cảnh lại tái diễn vào đầu giờ chiều ngày 30 Tết. Người cảm thông, người lên án hành động này. Vì sao?
Trên các trang mạng xã hội, các trang báo đồng loạt đưa tin đầu giờ chiều ngày 30 tết (24/1), nhiều tiểu thương tại chợ hoa 23.9 quận 1 (TPHCM) đã thẳng tay phá bỏ những chậu hoa chưa bán được, nhất quyết không bán tháo hoặc cho người khác nhặt.
Theo “cái lý” của tiểu thương buôn hoa tết, họ đã mất tiền vận chuyển hoa, phải bán với giá cao, chứ nhất quyết không bán tháo hoa.
"Giờ này thì hạ giá cũng không bán nữa, thà bỏ chứ không bán rẻ, giờ mình mà bán rẻ thì sang năm sao bán nữa" – một tiểu thương tên Sang đến từ Đồng Tháp cho hay.
Khi những hình ảnh đập hoa được chia sẻ trên mạng và trên các trang báo, nhiều ý kiến bày tỏ sự xót xa bởi công sức công sức, tiền của bỏ ra trong nhiều ngày giờ bị phá nát.
Thế nhưng hãy cùng tôi lý giải vì sao lại có một bộ phận người dân mua hoa tết muộn?
Có thể bạn quan tâm
15:00, 24/01/2020
12:00, 24/01/2020
09:01, 24/01/2020
11:00, 23/01/2020
03:05, 23/01/2020
15:00, 22/01/2020
11:00, 22/01/2020
11:00, 21/01/2020
05:00, 21/01/2020
11:00, 20/01/2020
05:00, 20/01/2020
05:00, 18/01/2020
05:00, 16/01/2020
Thực tế thì trước ngày tết Nguyên đán cả tháng, hoa, cây cảnh, đào, quất, quýt, bưởi… đã được bày bán bạt ngàn. Tại thời điểm này, nhiều thương lái thường “hét” giá quá cao khiến người mua ngại trả giá hoặc không đủ điều kiện mua.
Là một công chức bình thường, điều kiện cũng không dư dả, tôi đã từng có ý định “chơi hoa” từ 23 tháng Chạp cho có không khí tết sớm.
Nhưng khi dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường ngày 22 tháng Chạp, tôi mới tá hoả nhận ra, muốn chơi hoa Tết sớm cần phải có tiền, thậm chí nhiều cần có nhiều tiền.
Phải cân nhắc chứ khi một cặp cúc tết cỡ vừa được rao bán với giá 1,5 triệu, một chậu đào thế có giá cả chục triệu đồng, hay một cây bưởi có giá tới… 40 triệu đồng (bằng 6 tháng tiền lương của một công chức bình thường như tôi).
Sang ngày 24 tháng Chạp, nghĩ giá hoa, cây cảnh đã “giảm” hơn, tôi lại một lần nữa dạo quanh thị trường. Vẫn là cặp cúc tết cỡ vừa hôm trước. Chỉ sau 2 ngày đã giảm tới… 600 nghìn đồng, chỉ còn 900 nghìn đồng/cặp.
Tôi băn khoăn tự hỏi: Đâu mới là giá trị thực của cặp cúc này? Mức giá 900 nghìn đồng mà các tiểu thương đưa ra vào ngày 24 tháng Chạp theo tôi vẫn quá cao so với thực tế.
Cũng như bao người dân bình thường khác, dù cho ngày tết hay ngày thường, tôi mong muốn được mua đúng giá thị trường. Tại sao muốn bán được nhanh, được nhiều sản phẩm mà các tiểu thương lại bán mỗi ngày một giá như vậy?
Đúng là, ai cũng mong có một cái Tết đủ đầy, ai cũng mong ngày xuân trong nhà có cành mai, đoá cúc cho rực rỡ. Thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy, ở đất nước ta, nhiều khi chỉ có đại gia hoặc những người có kinh tế khá giả mới dám mua đào, mai, hoa, cây cảnh… để chơi Tết trước hàng tuần, hàng tháng.
Còn những người có thu nhập ở mức trung bình, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, họ chỉ dám nghĩ đến những món ăn tinh thần này khi đã tạm yên tâm vì lo được cái Tết cho gia đình.
Với một công chức bình thường như tôi, việc mua một hoa, cây cảnh chơi tết sớm đã là điều xa xỉ, còn với người lao động nghèo, việc bỏ ra mua một chậu hoa tết sớm có thể đủ để họ mua thực phẩm cho cả gia đình trong 3 ngày tết.
Do đó, việc họ đợi đến chiều 30 để mua hoa giá rẻ cũng là chuyện có thể cảm thông, bởi việc kiếm tiền với họ đâu có dễ, nên đương nhiên họ phải suy tính nhiều khi mua hàng rồi.
Đồng ý là dịp tết mặt hàng gì cũng đắt hơn những ngày thường nhưng mà đắt gấp 3, 4 lần bình thường, thậm chí hơn cả chục lần những ngày bình thường quả là điều vô lý.
Lại nói tiếp chuyện mua hoa ngày 30 tết, thực tế, bên cạnh vấn đề cân nhắc tiền nong, giá cả khi mua hoa, cây cảnh chưng tết sớm, vẫn còn rất nhiều người dù có tiền trong túi nhưng thời gian lại hạn hẹp.
Theo quy định của nhà nước, năm nay người lao động phải làm việc hết ngày 22/1 (28 tháng Chạp). Những ngày cuối năm, người lao động vừa làm công việc cơ quan, vừa tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, quà cáp cho bên nội bên ngoại, sắm sửa quần áo cho con.
Hay việc chuẩn bị mâm cúng cũng khiến họ chẳng có thời gian đi chợ để chọn một chậu hoa vừa ý. Thế nên cứ xong hết việc thì cũng đến 29, 30 tết mới có thể tranh thủ ghé chợ hoa mua về chưng cho có không khí.
Vậy, họ mua hoa tết ngày 29, 30 tết có gì sai?
Gia đình tôi sau khi cân nhắc giá cả, cũng đã quyết định mua đào, quất và hoa cắm lọ vào chiều 29 tết. Và thay vì phải bỏ ra cả chục triệu đồng nếu mua hoa, cây cảnh từ 22 tháng Chạp, tôi chỉ bỏ ra 2 triệu đồng là không gian phòng khách của gia đình tôi đã rộn ràng sắc xuân rồi.
Hãy nhĩn kỹ những bức ảnh được chụp trên mạng xã hội hay các trang báo xem, phần lớn người mua hoa ngày 30 tết trông không có vẻ khá giả. Họ cũng muốn mua hoa sớm cho vui cửa vui nhà, nhưng tại sao phải đến 30 tết họ mới mua?
“Tết năm ngoái tôi đợi đến 30 tết mới mua được 4 chậu hoa vạn thọ với giá 80.000 đồng, trong khi những người mua trước tôi vài ngày với giá 160.000 đồng. Vậy là tôi tiết kiệm được phân nửa tiền để mua thứ khác.
Tết năm nay tôi vẫn đợi đến 30 tết để mua. Nếu năm nay hoa đắt hơn tôi vẫn mua vào ngày 30 tết. Dù có đắt hơn nhưng so với những ngày trước đó vẫn là rẻ hơn” – một cô bạn đồng nghiệp của tôi (xin được giấu tên) cho biết khi tôi gọi điện hỏi ý kiến thăm dò.
Vậy đó, để không còn tái diến tình trạng đập hoa, chặt cây cảnh vứt lên xe rác một cách không thương tiếc như thế này, mong rằng từ năm sau các thương lái nên đưa ra một mức giá hợp lý hơn để nhiều khách hàng có thể mua hoa từ sớm.
Chứ vẫn kiểu “hét giá” trên trời, không bán hàng với giá trị thật của nó thì chắc chắn rất nhiều người mua sẽ còn phải cân nhắc trước khi móc hầu bao mua bất kỳ sản phẩm nào. Và rồi cảnh đập hoa, chặt cây sẽ lại tiếp tục tái diễn.
Xin hãy bán hoa, bán cây cảnh chưng tết với mức giá vừa phải và thu lãi đều từ trước tết đến ngày 30 là như nhau để hưởng lợi nhuận “bền vững”, chứ đừng hô giá quá cao để người mua sớm không mua hoa được và đến ngày 30 phải bán tháo giá thấp hoặc đập bỏ hoa.
Xin khép lại bài viết bằng một câu nói rất chí tình của chuyên gia Đinh Thế Hiển: “Kinh tế thị trường là sự chọn lựa. Nếu người ta dư thì mua hoa chưng Tết, còn bị buộc phải chi thứ khác thì chắc chắn họ giảm mua hoa. Việc đập bỏ là quyền của chủ hàng nhưng chuyện trách cứ khách mua ngày 30 mà không mua vào 26, 27 Tết là quá vô lý”.
Đúng vậy, việc chặt bỏ cây cảnh, hay thậm chí là phá nát hàng hoá để không bán cũng chẳng cho ai thể hiện một tư duy kinh doanh ích kỷ chỉ biết mình.
Xin hãy nhớ, một vài người kinh doanh cây cảnh không thể năm nào cũng “tỏ thái độ”, "thách thức" hàng vạn người tiêu dùng.
Bởi nếu không mua được cúc, mai, quất, bưởi... vì giá quá đắt, thì rồi người dân cũng sẽ có những lựa chọn khác để cho không gian xuân của gia đình mình thêm phần rực rỡ và ấm cúng thôi.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |