CẢM XÚC XUÂN: Xuân về Hải Phòng nghe nét ca Trù

NGUYỄN CHUẨN 03/02/2022 03:04

Trước khi gặp chị, tôi là người ngoại đạo với ca Trù, dù cũng đã có đôi lần nghe đâu đó những ca từ, giai điệu của thứ âm nhạc nỉ non, rề rà, chậm rãi và… khó hiểu này.

>>>CẢM XÚC XUÂN: Mùa xuân muộn

“Hồng hồng tuyết tuyết! Mới ngày nào chửa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì...”

Lối hát kén người …

Nếu chỉ đơn thuần nghe, xem và thưởng thức ca Trù, nhiều người có thể thấy lạ lẫm và khó hiểu với những lời hát lúc bổng, lúc trầm, khi khoan, khi nhặt, khi thổn thức đa tình, khi da diết ủ ê…

Trương Nguyễn Đào Nương, một ca nương có tiếng đất Hải Phòng.

Ca Trù - Một nét văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát huy tại Hải Phòng.

Chị Trương Nguyễn Đào Nương – một ca nương của đất Hải Phòng nói với tôi: “Đơn giản vì đây là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời nhưng ở tầng bậc cao trong nền âm nhạc dân tộc, không dễ học và cũng không dễ thưởng thức. Đặc biệt, với không gian bây giờ, thật khó để phát huy hết giá trị của từng làn điệu…”.

Trên thực tế, ca Trù có mặt và thịnh hành ở Việt Nam từ thế kỷ XV, đây là loại hình nghệ thuật cung đình và được giới trí thức nhiều thời đại yêu thích. Loại hình nghệ thuật này được coi là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa lời bài hát và âm nhạc, tất cả tổng hòa lại cho thành thứ được gọi là âm nhạc bác học.

Trong nghệ thuật ca trù, lời thơ là một thành tố quan trọng. Ca trù có nhiều làn điệu, nhiều thể cách ca trù sử dụng các thể thơ quen thuộc và thuần Việt như lục bát, song thất lục bát, nhưng đôi khi cũng dùng thể "hành" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thể hát nói mới được coi là thể thơ “đo ni đóng giày” cho ca trù. Hát nói gắn với những tên tuổi lớn trong lịch sử văn học Việt Nam như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Phan Bội Châu...

Bên cạnh đó là bộ phách, đàn đáy và trống chầu, những thứ đi kèm và tạo nên hồn cốt và sự khác biệt của ca Trù với các thể loại âm nhạc dân gian khác. Người chơi đàn đáy còn được gọi là kép, người ca nương được gọi là đào, đào và kép là một cặp đi liền nhau trong bất cứ một buổi diễn ca trù nào.

Trong đó, ca nương phải là người có chất giọng thanh, cao và vang. Ngoài ra còn phải biết ém hơi, nhả chữ, những kỹ thuật khó nhất trong ca Trù. Người ca nương phải biết “ém” một hơi nhả ra một chữ tạo thành hột. Nảy hột phải có kỹ thuật, chịu khó rèn luyện mới có được hơi chắc. Ngoài ra, ca nương phải đạt đến độ điêu luyện khi cùng một lúc vừa hát, vừa gõ phách, còn tai thì tập trung lắng nghe tiếng đàn của kép và tiếng trống chầu của quan viên…

Còn nữa, trong một màn diễn xướng, không thể thiếu người cầm chầu. Đây là những người quan viên, những tao nhân mặc khách và thường là tác giả của bài ca Trù. Người cầm chầu là người chấm câu văn hay điểm câu hát, chủ ý nâng cho khúc hát. Khi khoan, khi nhặt, khi điểm, khi buông những tiếng trống khen chê lời hát của cô đào…

>>>CẢM XÚC XUÂN: Làng Gốm Sơn Đông mùa Xuân về

Một nét ca Trù Hải Phòng

Tôi theo chị Trương Nguyễn Đào Nương về Làng Đông Môn, thuộc xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Nơi đây được biết đến như cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ. Vùng đất này không chỉ có Phủ Từ thờ tổ nghề ca trù mà còn từng là một giáo phường ca Trù lớn trong vùng với những kép đàn, ca nương nổi tiếng.

Một màn diễn xướngp/ca Trù của đất Đông Môn, Hải Phòng.

Một màn diễn xướng ca Trù của đất Đông Môn, Hải Phòng.

Vừa đến đầu làng, chúng tôi đã nghe đâu đây câu hát: “Gặp xuân ta giữ xuân chơi. Câu thơ chén rượu là nơi đi về. Hết xuân, cạn chén, xuân về. Nghìn thu nét mực xuân đề vẫn xuân…”. Tiếng hát vừa trầm bổng, tha thiết vừa thánh thót, ngân nga, hòa cùng tiếng trống phách lúc khoan lúc nhặt thật khiến cho người nghe nhiều cảm xúc.

Trên thực tế, ca trù xuất hiện ở Đông Môn từ cách đây hơn 200 năm. Người đưa ca trù về Đông Môn là cụ Tô Tiến, trùm của một giáo phường ca trù ở Kinh Môn (Hải Dương). Nhưng, thời điểm hưng thịnh nhất của loại hình nghệ thuật này là những năm đầu thế kỉ XX, thời điểm mà người Pháp đã thống kê ở Hà Nội có hàng trăm ca quán, hàng nghìn các đào nương, kép đàn ở các phố Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở ...

Trong khi đó, ở Hải Phòng cũng phát triển không kém. Các phố ca quán nổi lên là những nhà hát Quán Bà Mau, Cách gà trong, Cánh gà Ngoài, Kiến An, Sở Dầu ... ngày đêm đỏ đèn đón các tao nhân, mặc khách đến để thưởng ngoạn. Còn có những đào kép tài danh ở Hà Nội, Hải Dương cũng dạt xuống đây để làm nghề như cụ Nguyễn Thị Chúc ở Hà Tây, cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương…

Song, đã có một khoảng thời gian ca Trù tại Hải Phòng bị gián đoạn. Mãi cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, sứ mệnh bảo tồn ca trù mới được nhen nhóm trong cộng đồng, mà nòng cốt là các nghệ nhân, ca nương, kép đàn ở hai CLB Ca trù (thuộc hội VNDG thành phố) và CLB ca trù Đông Môn.

Đặc biệt, những năm gần đây, ca Trù đã được quan tâm khôi phục, dần có được hơi thở và sức sống trở lại. Nhưng, kể cả khi đã có chỗ đứng nhất định, việc tiếp tục phát huy không phải là điều dễ dàng.

Kép đàn Tô Văn Tuyên, người vừa đạt giải thưởng “Kép đàn tài năng” trong cuộc thi ca Trù toàn quốc năm 2018, hậu duệ của cụ Tô Tiến chia sẻ: “Ca trù là loại hình hát đặc trưng của đất Kinh Kỳ. Không đơn điệu như các loại hình dân gian, và cũng không phô trương như nhã nhạc cung đình. Ca trù là thú chơi của tầng lớp nho gia tài tử thời trung đại và của tầng lớp trung lưu thời trước năm 45. Chúng tôi hôm nay đang được nhận sứ mệnh để phục hưng những vốn cổ...”

Còn chị Trương Nguyễn Đào Nương thì trải lòng: “Các ca nương, kép đàn say sưa bám trụ với ca trù chỉ bởi tình yêu, niềm đam mê, ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống cha ông. Trong khi kinh phí để duy trì CLB, hỗ trợ các nghệ nhân không có. Ngoài ra, lớp trẻ bây giờ lại không mấy hứng thú với ca trù”.

Những tâm sự, trải lòng của các nghệ nhân ca Trù có lẽ còn nhiều, nhưng tựu chung lại đó cũng là những tâm tư chân thực nhất, giản dị nhất trong nỗi niềm đau đáu về nghề. Phải chăng đã đến lúc cần có sự quan tâm và vào cuộc của các ban, ngành để chung tay gìn giữ và phát huy loại hình văn hóa này. Ấy cũng là cách để giữ hồn cốt dân tộc…

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Mùa xuân muộn

    CẢM XÚC XUÂN: Mùa xuân muộn

    08:00, 30/01/2022

  • Mùa xuân trên bến cảng Vĩnh Tân

    Mùa xuân trên bến cảng Vĩnh Tân

    08:00, 14/01/2022

  • THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: Bản tình ca

    THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: Bản tình ca "Tuyết trắng" giữa mùa xuân

    11:04, 28/03/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Làng Gốm Sơn Đông mùa Xuân về

    CẢM XÚC XUÂN: Làng Gốm Sơn Đông mùa Xuân về

    10:57, 15/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Tháng Chạp vui buồn theo nhịp bước mùa Xuân!

    CẢM XÚC XUÂN: Tháng Chạp vui buồn theo nhịp bước mùa Xuân!

    05:30, 09/02/2021

  • SPLENDORA – Nơi gặp gỡ giữa hoa cỏ mùa xuân

    SPLENDORA – Nơi gặp gỡ giữa hoa cỏ mùa xuân

    16:00, 08/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢM XÚC XUÂN: Xuân về Hải Phòng nghe nét ca Trù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO