“Căn bệnh” lãng phí: Đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng, "phố vẫn thành sông" sau mưa

GIA NGUYỄN 05/08/2021 04:00

Mặc dù luôn được chú trọng đầu tư bằng các dự án với số tiền “khủng”, thế nhưng, hệ thống thoát nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả như kỳ vọng…

Theo Sở Xây dựng TP. Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước, trong đó có 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016, thế nhưng, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.

Đầu tư nhiều nghìn tỷ cho các dự án thoát nước, chống ngập, thế nhưng, phố vẫn biến thành

Đầu tư nhiều nghìn tỷ cho các dự án thoát nước, chống ngập, thế nhưng, phố vẫn biến thành "sông" sau mỗi đợt mưa lớn - Ảnh chụp ngày 05/7

2 dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.

Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận đã nêu vẫn là tự chảy, đáng nói, theo tiến độ, năm 2020, cả 3 dự án kể trên sẽ phát huy hiệu quả nhưng nhiều điểm ở nội thành Hà Nội vẫn ngập khi trời mưa to.

Không chỉ riêng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương đã bỏ ra một số tiền “khủng” để đầu tư vào các hệ thống thoát nước, chống ngập tại địa phương nhưng vẫn chưa đem lại những kết quả như kỳ vọng.

Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2008 - 2018, TP. Hồ Chí Minh đã chi 22.948 tỷ đồng cho công tác chống ngập, đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và còn hơn nữa.

Ngập úng đô thị cũng là bài toán mà TP. Hồ Chí Minh cũng đang phải tìm lời giải nhiều năm qua - Ảnh minh họa

Ngập úng đô thị cũng là bài toán mà TP. Hồ Chí Minh cũng đang phải tìm lời giải nhiều năm qua - Ảnh minh họa

Chẳng hạn, để giải quyết việc ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trong khoảng 2 năm, TP. Hồ Chí Minh đã thuê một Công ty bằng cách sử dụng máy bơm, bơm nước ra sông mỗi khi có mưa lớn (với giá khoảng 14 tỷ đồng/năm). Thực tế, việc giải quyết ngập bằng máy bơm cũng chỉ giải quyết ngập cục bộ ở một khu vực nhất định, còn nhiều khu vực khác trên tuyến vẫn ngập nặng, nên người dân ví đường Nguyễn Hữu Cảnh là “rốn ngập”.

Để xử lý dứt điểm ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chi gần 500 tỷ đồng nâng cấp toàn bộ mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh lên từ 30-50cm, riêng đoạn trước khu vực tòa nhà The Manor đến dạ cầu Sài Gòn có nơi phải nâng lên đến 1,2m. Dự án, được triển khai từ tháng 10/2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020 nhưng do bị chậm tiến độ nên chủ đầu tư lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4/2021.

Ngập úng đô thị, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân, mà còn khiến các công trình xây dựng bị hư hại, ô nhiễm môi trường... việc đầu tư các dự án với nhiều nghìn tỷ không mang lại sự chuyển biến không chỉ dẫn đến sự thất thoát, lãng phí tiền ngân sách, mà còn khiến dư luận không khỏi đặt nhiều nghi vấn về chất lượng của các dự án, công trình thoát nước, ngập úng.

Một số chuyên gia cho rằng việc thoát nước tại Hà Nội nhiều năm qua vẫn còn khá tùy tiện - Ảnh minh họa

Một số chuyên gia cho rằng việc thoát nước tại Hà Nội nhiều năm qua vẫn còn khá tùy tiện - Ảnh minh họa

Theo một số chuyên gia, như tại TP. Hà Nội, hệ thống thoát nước của Thủ đô được kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954, sau đó được mở rộng, do kinh nghiệm quy hoạch của ta không nhiều, nguồn lực hạn chế, nên trong khoảng thời gian vài chục năm việc thoát nước ở tại Hà Nội còn khá tùy tiện.

Đến những năm 2000, Nhật Bản giúp thiết kế quy hoạch thoát nước bài bản hơn, nhưng khi thiết kế xong, định hướng phát triển đô thị lại lạc hậu so với thiết kế hệ thống thoát nước này. Dù vậy, TP. Hà Nội vẫn dựa vào bản quy hoạch thoát nước này để phát triển, do đó, hệ thống thoát nước tại Thủ đô là không tổng thể, chắp vá, luôn lạc hậu so với thực tế phát triển đô thị.

Thông tin với báo chí, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh, TP. Hà Nội không chỉ thiếu chiến lược quy hoạch thoát nước mà đến nay còn cần đặt ra yêu cầu có thể thích ứng với quy hoạch mở rộng, biến đổi khí hậu đang diễn ra sâu sắc với lượng mưa lớn, thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc đô thị hóa mạnh, khó kiểm soát dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế... góp phần gây ngập lụt khi mưa lớn.

“TP. Hà Nội có sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, thực tế hệ thống thoát nước ở Hà Nội vẫn chủ yếu là tự chảy, nhưng đường ống tự chảy lại quá dài, năng lực tiêu thoát hạn chế. Vì vậy, cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như “ắc quy nước” có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ.

Đầu tư nhiều nghìn tỷ không đem lại hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai? Dư luận mong chờ sẽ có được câu trả lời khách quan, minh bạch từ các cơ quan quản lý.

Có thể bạn quan tâm

  • “Căn bệnh” lãng phí: Hà Nội và hành trình 10 năm “thay áo” cho vỉa hè

    “Căn bệnh” lãng phí: Hà Nội và hành trình 10 năm “thay áo” cho vỉa hè

    04:20, 04/08/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở

    “Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở

    04:20, 03/08/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai

    “Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai

    04:30, 02/08/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT

    “Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT

    04:00, 30/07/2021

  • Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!

    Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!

    05:00, 29/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Căn bệnh” lãng phí: Đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng, "phố vẫn thành sông" sau mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO