Cần bổ sung hành vi “chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội” và “chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng, bảo hiểm thất nghiệp” vào danh sách những hành vi bị nghiêm cấm.
>>Giải pháp nào đối với rút bảo hiểm xã hội một lần?
Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng, cần bổ sung hành vi “chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội” và “chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng, bảo hiểm thất nghiệp” vào danh sách những hành vi bị nghiêm cấm.
Vì, trong thực tế tại các đơn vị sử dụng lao động việc các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng vẫn trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra khá phổ biến, do đó cần thiết phải quy định việc cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH tại Luật BHXH để làm tiền đề quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Đối với điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét, quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm, giảm 5 năm so với quy định tại dự thảo.
Về quy định đối với bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Đại biểu thống nhất với phương án quy định nhóm người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận BHXH một lần theo điều kiện này. Đồng thời thống nhất với quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
>>“Con đê” nào ngăn được rút bảo hiểm xã hội một lần?
>>Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về nội dung các quỹ thành phần của quỹ BHXH, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ thành phần của quỹ BHXH và bổ sung quy định “Giao Chính phủ quy định thứ tự hạch toán, phân bổ tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động đóng BHXH không kịp thời” để đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người lao động theo đúng quá trình đóng BHXH, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động, cần thiết bổ sung quy định về thứ tự hạch toán vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra chính sách BHXH vào Dự thảo Luật BHXH hoặc giao Chính phủ quy định về nội dung, quy trình, nhiệm vụ quyền hạn và các biện pháp áp dụng trong hoạt động kiểm tra chính sách BHXH.
Đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77.
Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Chính phủ đề xuất 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được chọn lựa giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nến có nhu cầu. Tuy nhiên, có sự khác biệt ở chỗ, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp là: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 26/10/2023
00:46, 22/10/2023
03:30, 14/10/2023
17:00, 17/08/2023
02:00, 07/08/2023