Sự phát triển của thị trường khách du lịch Việt Nam cho thấy cơ hội chiến lược trong đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới.
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo khoa học gần đây, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và đạt được những kết quả ấn tượng trong giai đoạn vừa qua.
Năm 2023, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,82% và thu hút được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần so với năm 2022. Đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tổng lượt khách cả năm 2023; khách nội địa đạt khoảng 95,5 triệu lượt.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho ngành du lịch. Đầu tư trong du lịch được ưu tiên với việc huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài, và các nguồn vốn xã hội hóa khác. Hình thức đối tác công tư (PPP) trong đầu tư phát triển du lịch cũng được triển khai áp dụng, mang lại những hiệu quả tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch.
“Có thể nói, du lịch là một lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và những dự án có quy mô khác nhau, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, sân golf, vui chơi giải trí, sản phẩm và dịch vụ du lịch...”- ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Việc các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính nổi trội, đẳng cấp quốc tế, không chỉ tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển mà còn có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế xã hội khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng hoạt động thu hút đầu tư trong ngành du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn thiếu chiến lược thu hút, chưa thực sự tạo thuận lợi hỗ trợ các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch; nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa thu hút được đầu tư, hạ tầng kỹ thuật giao thông tiếp cận nhiều điểm du lịch tiềm năng còn hạn chế, làm nản lòng nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc thực hiện dở dang, chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, chuyên nghiệp…
Nhìn tổng quan về đầu tư du lịch ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch khẳng định: Sự phát triển của thị trường khách nội địa và sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cho thấy cơ hội chiến lược trong đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng và đón đầu nhu cầu thị trường. Bằng cách nắm bắt kịp thời và nhận diện rõ nhu cầu, xu hướng mới của thị trường, các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả các điểm đến mới nổi của du lịch Việt Nam.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, bên cạnh việc nắm bắt tốt những xu hướng, nhu cầu mới chủ yếu của thị trường, đặc biệt là các thị trường khách trọng điểm, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, cần dựa trên nhiều yếu tố nội tại như tiềm năng du lịch và thương hiệu điểm đến địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, môi trường đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là sự sẵn sàng và chủ động của địa phương trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư du lịch, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc cấp chứng nhận đầu tư du lịch…