Để khai thác tiềm năng từ du lịch MICE và phát triển du lịch bền vững, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm năm 2030 đã khẳng định tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm.
Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch MICE là loại hình có thể thu hút được lượng khách lớn, có khả năng chi tiêu cao, cũng như lưu trú dài. Đặc biệt, du lịch MICE thường diễn ra quanh năm, mang lại lợi ích ổn định ngay cả những mùa thấp điểm. Vì thế MICE được xem là loại hình du lịch cao cấp, là định hướng chiến lược ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu của các đơn vị kinh doanh du lịch và là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tính thời vụ cho hoạt động du lịch của các địa phương.
Đây là lợi thế để các địa phương tận dụng khai thác, phát triển thị trường du lịch. Ngoài lợi ích cho ngành du lịch, du lịch MICE còn tác động đến các ngành kinh tế khác và mở ra cơ hội, triển vọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại diễn đàn “Việt Nam - Điểm đến của du lịch MICE”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, du lịch MICE tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng đặc biệt trong năm 2023 và 2024. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 12,7 triệu lượt, trong đó, khách du lịch MICE chiếm tỷ lệ không nhỏ. Doanh thu từ du lịch MICE cũng tăng mạnh, đạt mức tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Việc phát triển du lịch MICE không chỉ có lợi cho kinh tế, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa - xã hội. Qua các sự kiện hội nghị quốc tế, Việt Nam có cơ hội để quảng bá văn hóa, truyền thống và hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Các sự kiện này cũng là cơ hội để thúc đẩy hoạt động đối ngoại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam giao lưu, kết nối với đối tác quốc tế.
Về mặt xã hội, du lịch MICE thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp du lịch và khách sạn tại Việt Nam đã và đang đào tạo để nâng cao trình độ của nhân viên, nhất là khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ du khách quốc tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra rằng, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu cấp thiết để Việt Nam có thể cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư bài bản và lâu dài, với những giải pháp cụ thể và đồng bộ từ cả phía nhà nước và doanh nghiệp.
Trước hết, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức sự kiện MICE quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quốc tế cần được ưu tiên hàng đầu để tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, cần có ưu đãi tài chính, thuế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn đầu tư...
Theo đó, cần xây dựng và nâng cấp các trung tâm hội nghị, triển lãm tại các đô thị lớn và các điểm đến du lịch tiềm năng, để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trên bản đồ du lịch MICE toàn cầu.
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, việc đẩy mạnh quảng bá du lịch MICE ra thế giới cũng là một chiến lược không thể thiếu. Việt Nam cần có kế hoạch tiếp cận những thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia châu Á - nơi có nhu cầu cao về tổ chức sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc quảng bá thương hiệu quốc gia, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch MICE, từ dịch vụ tổ chức sự kiện đến các trải nghiệm đi kèm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến vai trò quan trọng của nguồn nhân lực. Việt Nam cần phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của ngành MICE.
Để làm được điều này, theo ông Tuấn, các chương trình đào tạo cần được cải tiến, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng tổ chức sự kiện, tiếp thị, quản lý khách hàng và các kỹ năng mềm khác. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc phát triển và triển khai các chương trình đào tạo.