Cần có cơ chế tự động hoàn thuế cho doanh nghiệp

DIỄM NGỌC 24/07/2023 05:30

Theo chuyên gia, cần bình đẳng hơn giữa các cơ quan thu thuế với người nộp thuế, khi doanh nghiệp đã nộp thuế theo đúng quy định và đã đầy đủ chứng từ, thì phải được tự động hoàn thuế.

>>Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế

Tại cuộc họp Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, mà tiền của doanh nghiệp lại không hoàn, kéo dài đến mấy năm.

Đến nay câu chuyện hoàn thuế vẫn chưa hết “nóng”, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị để sớm được giải quyết

Đến nay câu chuyện hoàn thuế vẫn chưa hết “nóng”, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị để sớm được giải quyết

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều và Quốc hội cũng đã có Nghị quyết.

“Hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp không xin, đây là tiền của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan Nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý; cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh “không thể để trì trệ, loay hoay mãi”.

Đến nay câu chuyện hoàn thuế vẫn chưa hết “nóng”, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị để sớm được giải quyết. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, rõ ràng có một nguồn lực rất lớn của doanh nghiệp đang bị đọng lại trong câu chuyện chậm hoàn thuế.

Với những khó khăn rất lớn hiện nay của doanh nghiệp là thiếu dòng tiền, không có nguồn vốn để kinh doanh, thì lại có một nguồn lực đáng kể bị treo ở hoàn thuế. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại, chúng ta cần bình đẳng hơn giữa các cơ quan thu thuế với người nộp thuế, khi doanh nghiệp đã nộp thuế theo đúng quy định và đã đầy đủ chứng từ, thì phải được tự động hoàn thuế.

Hay với lĩnh vực cho thuê tài chính cũng có những khó khăn do đây là lĩnh vực nhỏ, các cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước chưa hiểu nhiều hay chia sẻ nhiều về lĩnh vực này.

Theo kiến nghị của Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, hiện nay có hai vướng mắc lớn đó là: Một, các công ty cho thuê tài chính chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp chế xuất thuê sử dụng trong suốt thời gian thuê (khi chuyển giao tài sản có làm đầy đủ thủ tục hải quan), được coi là xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ vào khu phi thuế quan (tương tự xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài).

Tương tự như các doanh nghiệp khác khi xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp cung cấp tài sản cho doanh nghiệp chế xuất thuê tài chính phải được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu. Cụ thể trong trường hợp này, các công ty cho thuê tài chính - trung gian chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp chế xuất phải được hoàn thuế GTGT mà họ đã nộp khi mua tài sản trong nước.

Tuy nhiên đến nay, dù đã gửi nhiều kiến nghị, nhưng vẫn chưa được trả lời chính thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ cơ quan thuế hay Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến việc có những công ty cho thuê tài chính bị treo tới vài tỷ đồng tại cơ quan thuế và chưa biết đến khi nào mới được hoàn.

Ông Phạm Xuân Hòe

Ông Phạm Xuân Hòe

Hai, khi các công ty cho thuê tài chính đã tiến hành cho doanh nghiệp chế xuất thuê tài chính (cấp tín dụng trung dài hạn bằng tài sản) đương nhiên sẽ phát sinh trường hợp doanh nghiệp chế xuất không có khả năng trả nợ, lúc này công ty cho thuê tài chính tiến hành thu hồi tài sản, đồng thời phải làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế bổ sung gồm thuế GTGT và thuế nhập khẩu (nếu có).

Song, các văn bản quy pháp luật hiện hành về thủ tục về nhập khẩu cũng như nộp thuế bổ sung khi thu hồi tài sản của các công ty cho thuê tài chính cũng chưa được hướng dẫn ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

>>Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khốn khổ vì 7 năm vẫn chưa được hoàn thuế

“Có thể thấy, câu chuyện hoàn thuế đang phát sinh ra một thủ tục hành chính rất lớn với thủ tục phức tạp, gây hệ lụy là doanh nghiệp mất đi nguồn lực đáng ra họ phải được hưởng để hỗ trợ phục hồi.

Tôi đề nghị cần phải sớm cải cách lại toàn bộ thủ tục hoàn thuế gồm: Thứ nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu, mua bán, hợp tác với nhau đều có hóa đơn chứng từ thông qua hệ thống ngân hàng hoặc hải quan và được theo dõi một cách đầy đủ trên hệ thống điện tử. Do đó, cần kết nối thật tốt giữa cơ quan thuế với các cơ quan như hải quan, các ngân hàng để khi có đầy đủ chứng từ điện tử, thì có thể tự động hoàn thuế. Trong Thông tư về hoàn thuế nên sửa đổi có chính sách tự động hoàn thuế trong vòng bao nhiêu ngày, mà không nhất thiết các doanh nghiệp phải giải trình, gây ra cơ chế xin cho.

Thứ hai, trong chính sách về thuế có thuật ngữ “đơn vị” nhưng cơ quan thuế chưa nhất quán về cách hiểu này, mà hiểu “đơn vị” phải là tổ chức, trong khi một người, một cá nhân cũng là một đơn vị. Ví dụ, cá nhân bán xe lại hoặc thuê xe cũng là đơn vị. Vì vậy chúng tôi nghĩ cần phải hiểu và thống nhất về việc xác định miễn thuế trước bạ khi mua tài sản hay cho thuê lại với chính công ty hoặc cá nhân.

Thứ ba, trong Thông tư và Luật cần phải quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước về thu thuế. Nếu chậm hoàn thuế thì sẽ phải bị xử phạt, đồng thời trả mức lãi suất tương đương với doanh nghiệp đi vay để kinh doanh, khi đó họ mới thúc đẩy vai trò và có trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế cho các doanh nghiệp”, ông Phạm Xuân Hoè đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Cục Thuế Vĩnh Phúc thông tin về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT

    19:19, 22/07/2023

  • Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khốn khổ vì 7 năm vẫn chưa được hoàn thuế

    04:00, 21/07/2023

  • Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế

    03:06, 18/07/2023

  • Đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế

    15:07, 13/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có cơ chế tự động hoàn thuế cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO