Nhiều ý kiến cho rằng, khâu chính sách nên có sự “đồng điệu” nhằm tạo động lực và tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 11/2024 chứng kiến 4.243 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 22,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. 7.550 doanh nghiệp khác ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng tới 39,2% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng là 1.910, giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước nhưng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, hơn 96.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 0,9%, trong khi 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng đáng kể 19,8%. Trung bình mỗi tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hơn 90% số doanh nghiệp rút lui là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi nhìn lại tình hình kinh tế - kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian gần đây, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia lưu ý, các doanh nghiệp còn đối mặt với 4 khó khăn chính. Thứ nhất là về pháp lý, đâu đó tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dù đã “đỡ” đi rồi nhưng hiện nay xử lý công vụ vẫn còn rất chậm. Thứ hai là vấn đề tài chính, kể cả lạm phát giảm, lãi suất bắt đầu giảm, nhưng nghĩa vụ tài chính vẫn ở mức rất cao. Thứ ba là chi phí đầu vào liên tục tăng trong thời gian vừa qua, gần đây tuy có đi ngang nhưng về cơ bản vẫn rất cao so với giai đoạn trước. Thứ tư là một số ngành đang bắt đầu thiếu hụt lao động, đơn hàng phục hồi thiếu bền vững.
“Số lượng doanh nghiệp tạm thời đóng cửa trong những năm vừa qua tăng khá nhiều. Năm 2024 này mặc dù đã tốt lên nhưng số doanh nghiệp tạm rút lui trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng khoảng 14%”, ông Lực nói.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều điều cần làm trong khâu chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp tục vượt khó trong thời gian tới. Nhất là trong hơn một tháng trở lại đây số doanh nghiệp gia nhập thị trường đang dần có sự cải thiện, rất cần thêm những động tác “tiếp sức” tích cực hơn nữa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, nếu không có các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2025. Trung bình, 15.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng là lời cảnh báo rõ ràng về sức ép tồn tại đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2024 là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nhóm doanh nghiệp có năng lực quản trị yếu, dễ bị tổn thương khi thị trường biến động. Sự tụt hậu trong công nghệ, hạn chế về năng lực quản trị và khó khăn tài chính sẽ tiếp tục khiến nhóm doanh nghiệp này mất khả năng cạnh tranh. Chỉ khi nào doanh nghiệp vừa và nhỏ thay đổi tư duy quản trị và mạnh dạn chuyển đổi số, họ mới có thể trụ vững. Ngoài ra, thuế các-bon và tiêu chuẩn xanh sẽ là bài toán sống còn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nhiều doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Dữ liệu từ năm 2024 đã vẽ lên một bức tranh rõ ràng rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ nội tại yếu kém đến sức ép từ thị trường và kinh tế toàn cầu. Để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rút lui, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ, ngân hàng và chính các doanh nghiệp. Thay đổi tư duy quản trị, chuyển đổi số mạnh mẽ và thúc đẩy thị trường nội địa sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn mình trong năm 2025. Đây không chỉ là bài toán sinh tồn mà còn là cơ hội để định hình một nền kinh tế phát triển bền vững hơn”, chuyên gia này chia sẻ.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, bài học từ việc nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2024 đã cho thấy chưa thể yên tâm về khả năng phục hồi của không ít ngành sản xuất trong nước. Vì thế, các nhà quản lý và khâu hoạch định chính sách phải lưu tâm nhiều đến những vấn đề này trong năm 2025 để hỗ trợ tốt hơn. Còn không, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa sẽ tiếp tục loanh quanh, lận đận trên ao làng và khó vươn ra biển lớn như mong đợi.