Tiếp cận vốn được xem là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của hợp tác xã tại Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, vấn đề tiếp cận vốn từ lâu đã được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất cản trở sự phát triển của các hợp tác xã tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chương trình cho vay từ các ngân hàng thương mại, song trên thực tế, phần lớn hợp tác xã vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân chính nằm ở việc nhiều hợp tác xã chưa có tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch trong tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, mô hình hoạt động chưa rõ ràng hoặc chưa chuyển đổi đúng quy định của Luật Hợp tác xã. Nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại khi cấp tín dụng cho khu vực này bởi rủi ro cao và thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát dòng tiền. Mặt khác, thủ tục vay vốn còn rườm rà, yêu cầu hồ sơ phức tạp khiến các hợp tác xã - vốn có năng lực quản lý yếu - càng gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận dòng vốn chính thức.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho biết, đơn vị đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để thực hiện kế hoạch này lại không hề đơn giản.
“Tôi kiến nghị Chính phủ có chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, các thủ tục vay vốn từ ngân hàng, Quỹ tín dụng cần thông thoáng hơn, bỏ bớt các điều kiện không cần thiết”, ông Hùng bày tỏ.
Không riêng gì các quỹ hỗ trợ, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng là thách thức lớn với nhiều hợp tác xã. Chia sẻ từ thực tiễn, ông Lưu Văn Diễn, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Cơ giới – Xây dựng Vĩnh Thái (Khánh Hòa) cho biết, hợp tác xã đang đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang tại Phan Rang. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nghĩa trang làm tài sản thế chấp đang gặp nhiều vướng mắc pháp lý.
“Chúng tôi đang triển khai thêm dự án lò hỏa táng nhưng không rõ thiết bị và công trình này có đủ điều kiện để thế chấp vay vốn hay không”, ông Diễn lo ngại.
Giải quyết bài toán vốn cho khu vực hợp tác xã đòi hỏi một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ từ thể chế, tín dụng, tư vấn pháp lý, đến đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại. Có như vậy, khu vực kinh tế tập thể mới có thể thật sự “chuyển mình”, hội nhập sâu rộng và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và phát triển số ngày càng lớn, các bộ, ngành và địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, không chỉ dừng lại ở vai trò quản lý mà phải chủ động “kiến tạo” môi trường phát triển thuận lợi cho hợp tác xã.
“Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cần tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay theo hướng gọn, nhanh, minh bạch hơn. Việc tháo gỡ bài toán vốn không chỉ giúp hợp tác xã phát triển bền vững, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và hiện đại hóa khu vực nông thôn”, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh.
Từ góc độ ngân hàng, ông Lê Văn Tuấn, đại diện Agribank thông tin rằng, hiện ngân hàng này đang triển khai các gói tín dụng chuyên biệt dành cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, các hợp tác xã cần chủ động thu hút thêm thành viên, hoặc sáp nhập theo ngành nghề, địa bàn nhằm nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động.