Năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp toàn diện để gỡ khó cho ngành này.
Theo Bộ Xây dựng, cả năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng và doanh số bán ra của các sản phẩm vật liệu xây dựng tiếp tục giảm sâu. Trong đó, ngành xi măng có tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn trên tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm, dẫn đến 42/92 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất từ 1-6 tháng, một số dây chuyền phải dừng cả năm. Tình hình này vẫn tiếp diễn từ đầu năm 2024 đến nay, khi các nhà máy xi măng chỉ đạt khoảng 70%-75% tổng công suất thiết kế. Trong khi đó, tồn kho xi măng lũy kế hiện đã lên tới hơn 5 triệu tấn.
Ở lĩnh vực kính xây dựng, hiện tổng năng lực sản xuất toàn ngành đạt 5.900 tấn/ngày, tương đương 331 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Thế nhưng, từ năm 2023 đến nay, đã có 3 dây chuyền phải dừng sản xuất trên 6 tháng; 1 dự án dừng triển khai; tiêu thụ sản phẩm kính giảm 33% so với năm 2020. Tình hình cũng tương tự ở lĩnh vực sứ, gạch men khi sản lượng tiêu thụ đều giảm từ 35%-40%…
Đáng nói, biến động giá nguyên vật liệu là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng. Giá thép, xi măng, và đặc biệt là cát xây dựng liên tục tăng cao, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng đang trở nên rất cấp bách. Để ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho các sản phẩm vật liệu mới, tiên tiến, có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, an toàn với môi trường.
Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp các giai đoạn của đất nước.
Đồng quan điểm, kiến nghị một số giải pháp mang tính toàn diện hơn, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, đầu tư công là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án này được triển khai đúng tiến độ, từ đó tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng.
Về phía các doanh nghiệp, ông Dũng khuyến nghị, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành vật liệu xây dựng trong việc phát triển các loại vật liệu mới, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Những vật liệu như gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng, hay các loại vật liệu tái chế đang trở thành xu hướng trong ngành xây dựng hiện đại. Việc sử dụng các loại vật liệu mới không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung truyền thống mà còn đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá và khuyến khích sử dụng các loại vật liệu này thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ vốn”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh việc tập trung vào thị trường nội địa, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn. Thị trường xuất khẩu mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tại các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng cao.
Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới tại các thị trường tiềm năng. Trong quá trình đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, giải quyết các rào cản thương mại và thúc đẩy xúc tiến thương mại tại các thị trường mới.
“Để giúp các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, Chính phủ cần đưa ra các gói hỗ trợ tài chính, bao gồm giảm lãi suất, giãn nợ, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới và mở rộng thị trường. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn nhất trong bối cảnh hiện nay. Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành này, Chính phủ đã có một số giải pháp can thiệp. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.