Kinh tế

Cần giảm phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Nguyễn Việt thực hiện 19/08/2024 03:29

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, nhưng nên giảm 20% so với mức thu của đường BOT.

nguyen xuan thuy
TS. Nguyễn Xuân Thủy

Đó là khuyến nghị của TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông khi trao đổi với phóng viên DĐDN về việc thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, dự kiến thực hiện từ ngày 1/10/2024.

- Việc thu phí trên những tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được thảo luận từ vài năm nay. Những người không ủng hộ phương án này cho rằng đây là phí chồng phí, bởi Nhà nước đã thu thuế và phí bảo trì đường bộ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết. Bởi, tiềm lực kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, trong khi giao thông vẫn cần phải tiếp tục được đầu tư. Do đó, Nhà nước phải có khoản thu này.

Chúng ta không nên tư duy chỉ có doanh nghiệp làm đường cao tốc mới được thu phí. Nhà nước thu phí để tiếp tục đầu tư cho mạng lưới giao thông tốt hơn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có rất nhiều loại đường như quốc lộ, hương lộ, cao tốc… Các tuyến đường này tạo ra mạng lưới giao thông gần 400.000 km trên cả nước. Vì vậy, để mạng lưới giao thông thông suốt, đảm bảo chất lượng thì cần có lượng đầu tư nhất định nhưng Nhà nước phải có quy hoạch.

Cụ thể, trong gần 400.000 km đường đó thì có bao nhiêu km là quốc lộ? Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm? Bao nhiêu loại đường phải thu phí? Đây là những vấn đề Nhà nước phải quan tâm.

Theo quan điểm của tôi, mức thu phí của Nhà nước phải thấp hơn mức thu đường BOT khoảng 20%, với quan điểm “năng chặt, chặt bị”.

Tuy nhiên, chúng ta cần tách bạch phải thu đường nào và không phải thu phí đường nào. Với những đường cao tốc đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, Nhà nước phải thu để bù vào những khó khăn về nguồn tài chính của đất nước. Bởi vì, hiện có nhiều hệ thống hạ tầng đang được xây dựng, như mạng lưới đường cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các tuyến đường miền núi…

cao toc
Sẽ có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm Nhà nước tự tổ chức thực hiện và hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.

Đầu tư cho giao thông mỗi năm lên đến hàng chục tỷ USD, trong khi ngân sách Nhà nước lại không đủ nguồn lực đáp ứng cho yêu cầu này. Do đó, bên cạnh thu phí, thì Nhà nước cũng phải tiết kiệm, chống tình trạng tham nhũng, tham ô, xây dựng những công trình gây lãng phí, không đảm bảo chất lượng, quy hoạch không phù hợp.

- Có ý kiến cho rằng, việc Nhà nước làm cao tốc và thu phí chỉ nên là giải pháp tình thế và chỉ áp dụng ở những dự án không thể thu hút đầu tư tư nhân. Theo ông, ý kiến này có hợp lý?

Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng mạng lưới giao thông của đất nước, mà không phải chỉ dựa vào tư nhân. Có những nơi tư nhân làm được, thì cần tạo điều kiện và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Nhưng về cơ bản, Nhà nước vẫn phải là chủ thể chính trong việc xây dựng mạng lưới giao thông.

Về mặt khách quan, chúng ta chưa làm tốt vấn đề quy hoạch, dự án nào làm trước, dự án nào làm sau chưa khoa học. Theo tôi, bên cạnh phát triển mạng lưới đường cao tốc, thì cũng phải đầu tư vào mạng lưới đường sắt, không thể để “xập xệ” như hiện nay.

Chúng ta cần tránh tình trạng đặt mục đích thu tiền làm mục tiêu chính. Điều quan trọng là người dân được sử dụng đường tốt, ít tai nạn, chi phí thấp và cuộc sống được nâng cao.

- Việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư nên được thực hiện như thế nào để tránh thất thu ngân sách Nhà nước, thưa ông?

Về nguyên tắc, Nhà nước làm đường để phục vụ công cộng, không phải làm ra để thu phí của người dân. Nhưng, trước thực trạng ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, thì việc thu phí là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, có 2 điều cần lưu ý là thu bao nhiêu, và thu như thế nào?

Việc cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý và vận hành thu phí cũng có thể được, với điều kiện doanh nghiệp tư nhân đó có uy tín, có nhiều đóng góp cho quốc gia, chứ không thể đưa một doanh nghiệp bất kỳ nào vào để quản lý, vận hành các tuyến đường cao tốc.

Việc thu phí cao tốc phải theo quy luật phát triển của nền kinh tế, đơn vị nào trúng thầu cần phải có hợp đồng ràng buộc điều khoản rõ ràng với cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng thu không được lại “đẩy” ngược trách nhiệm. Nếu thời gian thu dài thì phải có lộ trình giảm phí, các cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát chặt chẽ việc này.

Nhà nước cần lấy việc phục vụ là chính. Giao thông phải phục vụ công cộng, không thể “thương mại hoá” một cách tuỳ tiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dự thảo Nghị định mà Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến, cao tốc bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) có mức phí thấp nhất từ 1.300 đồng/km (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km (xe tải trên 18 tấn, container 40 feet). Với cao tốc bốn làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2), mức phí từ 900 đồng/km đến 3.600 đồng/km tùy nhóm xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần giảm phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO