Cần hay không "phố đèn đỏ"?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 23/07/2020 05:45

Khi luật pháp bị nhờn, thi hành công vụ có vấn đề thì thuần phong mỹ tục thực tế đã không còn như xưa...

Kinh doanh mại dâm được pháp luật cho phép ở nhiều quốc gia

Kinh doanh mại dâm được pháp luật cho phép ở nhiều quốc gia

Mới đây, “phố đèn đỏ” một lần nữa được nhắc đến tại Đà Nẵng như một giải pháp để kích cầu du lịch khi ngành này điêu đứng vì dịch bệnh. Thật ra đề xuất này không mới, nhưng vì “nhạy cảm”, luật chưa mở lối nên chưa thể bắt tay vào việc.

Mặc dù chỉ là đề xuất của một nhà quản trị doanh nghiệp - nhìn vấn đề ở góc độ kinh tế. Nhưng không phải không là vấn đề cần nghiên cứu cân nhắc - nhất là trong bối cảnh chúng ta đã bắt đầu chú ý đến “kinh tế ban đêm”.

Kinh doanh mại dâm rõ ràng không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, không một ai xem đó là thứ dễ chấp nhận cùng tồn tại song song với những người đàn ông của gia đình họ.

Hơn thế nữa, riêng Đà Nẵng đã có thương hiệu, thậm chí nổi danh tầm quốc tế, rất nhiều nguồn lực để khai thác theo chiều sâu. Năm 2019, Đà Nẵng đón 8,7 triệu lượt khách du lịch. Đây là con số hơi cao so với một địa phương có tổng diện tích tự nhiên khiêm tốn 1.290k2, và 1,134 triệu dân.

Du lịch Đà Nẵng nói riêng và toàn quốc ta nói chung - kém chúng thua bạn không phải vì thiếu sản phẩm, mà vì thua cách làm. Ví dụ như tình trạng “chặt chém du khách” như thời mông muội vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở những địa phương được xem là “tấm pano của du lịch Việt Nam” như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,…

Nói vậy để thấy rằng, kích cầu du lịch chưa cần đến “phố đèn đỏ” vì hệ lụy kéo theo rất phức tạp so với đồng tiền kiếm được, đó là bệnh tật, hạnh phúc gia đình, bất ổn xã hội,…nếu như quản lý không chặt chẽ!

Danh xưng “thiên đường sung sướng” không lấy gì làm tự hào. Tại Nhật Bản, ngành công nghiệp “phim người lớn” phát triển rực rỡ. Ngoài các giá trị cơ bản như kiểm soát chặt chẽ, pháp luật nghiêm minh, nguồn lợi hàng tỷ USD được nhắc đến, còn mặt trái kinh hoàng của nó chưa bao giờ được tiết lộ hết.

Mặc dù thừa hưởng văn hóa phóng khoáng phương Tây từ cải cách Minh Trị cách đây vài trăm năm, nhưng hàng chục nghìn phụ nữ Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm này không thể tránh khỏi làn sóng tẩy chay ngấm ngầm trong xã hội, rất nhiều trường hợp tử vẫn vì trầm cảm, bị kỳ thị.

Thái Lan là điển hình thứ hai, đất nước này có 300.000 cô gái hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục đã lôi kéo một lượng lao động không hề nhỏ từ các nước láng giềng nhập cư vào.

Trước mắt là nguồn lợi kinh tế 4 tỷ USD mỗi năm, giai đoạn tiếp theo là các vấn nạn nhức nhối trong xã hội và sau chót là số phận của người phụ nữ - họ vẫn bị ghẻ lạnh, kỳ thị, con đường “tái hòa nhập cộng đồng” rất ghập ghềnh.

Cách đây vài năm, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan kêu gọi dẹp hết nhà thổ. Bà này nói “Tôi muốn có một ngành du lịch chất lượng. Tôi muốn ngành công nghiệp tình dục biến mất”. Thái Lan đã chán ngán với ngành kinh tế này.

Thực tế, dù quan điểm xã hội về tình dục có phóng khoáng tới đâu chăng nữa thì các chính phủ văn minh, nhà hoạt động vì quyền con người vẫn không thể bỏ qua tính nhân văn, số phận người phụ nữ yếu thế sẽ về đâu khi hết xuân thì.

Dù có thể thu về nhiều ngân sách, nhưng đây không phải là cách phát triển bền vững. Bởi vì đi kèm với tình dục sẽ là ngập ngụa trong lối sống trụy lạc, hưởng thụ trong rượu bia, thuốc lá,…suy cho cùng là cổ súy ăn chơi xa hoa. Đi ngược lại với xu hướng sống tối giản, tiết kiệm của con người.

Nhìn lại ở Việt Nam, từ thuần phong mỹ tục truyền thống đến luật pháp hiện đại luôn nói không với mại dâm. Nhưng thực tế xã hội, mại dâm “chui”, trá hình rất phổ biến. Tồn tại từ phố lớn đến tỉnh lẻ, thành thị tới nông thôn.

Khi luật pháp bị nhờn, thi hành công vụ có vấn đề thì thuần phong mỹ tục thực tế đã không còn như xưa. Nếu cứ để tình trạng nhùng nhằng, cấm tiệt nhưng không triệt để như hiện nay thì chẳng thu được ích lợi gì mà con ghánh chịu hậu họa.

Những cái giá bán dâm vài ngàn đến vài chục ngàn USD mỗi lượt thực sự gây sốc dư luận. Đó là sự tha hóa ở một tầm vóc khác hoàn toàn so với mấy cái “phố đèn đỏ” rẻ rúng kia!

Có thể bạn quan tâm

  • “Phố đèn đỏ” ở Phú Quốc: Nên có hay không?

    “Phố đèn đỏ” ở Phú Quốc: Nên có hay không?

    05:13, 14/09/2017

  • Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động kinh tế ban đêm

    Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động kinh tế ban đêm

    00:05, 11/07/2020

  • Quảng Ninh sẽ “kích hoạt” kinh tế ban đêm

    Quảng Ninh sẽ “kích hoạt” kinh tế ban đêm

    05:51, 01/07/2020

  • Khoanh vùng khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm

    Khoanh vùng khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm

    11:44, 09/06/2020

  • Cần

    Cần "hệ sinh thái kinh tế ban đêm" cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

    08:30, 15/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần hay không "phố đèn đỏ"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO