Cần hoàn thiện khung pháp lý, phát triển bền vững TTCK phái sinh

DIỄM NGỌC 24/11/2023 16:00

Theo các chuyên gia, việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển bền vững TTCK nói chung, TTCK phái sinh nói riêng là cần thiết và là điều kiện có tính tiên quyết.

>>Điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi trước 2025

Chưa đa dạng sản phẩm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000, đã trải qua nhiều bước tiến đáng kể trong đó có sự hình thành các TTCK chuyên biệt như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và tiếp đó là thị trường chứng khoán phái sinh.

Việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh

Việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh

Pháp luật về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh là bộ phận pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phát triển, tăng cơ hội đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” ngày 24/11/2023, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thị trường phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Mặc dù là bộ phận thị trường mới, sự ra đời của chứng khoán phái sinh, sự phát triển của TTCK phái sinh nhằm hình thành đầy đủ các bộ phận TTCK, đồng thời tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nhà đầu tư và là tiền đề thuận lợi cho quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy nhiên đến nay, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững thị trường chứng khoán”, TS. Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc thiết lập TTCK Phái sinh đã được Chính phủ khẳng định, sau 6 năm vận hành, hệ thống văn bản pháp luật và quy chế nghiệp vụ liên quan ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho TTCK phái sinh vận hành minh bạch, ổn định. Hạ tầng công nghệ thông tin vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Mặc dù sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm chưa thành công về mặt thanh khoản, nhưng đã tạo được tiền đề để nghiên cứu phát triển các sản phẩm hợp đồng tương lai trên các trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài hơn.

Về tồn tại, hạn chế của hoạt động trên TTCK phái sinh nói chung và sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nói riêng, bà Tạ Thanh Bình chia sẻ: Đối tượng tham gia thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế, cho thấy tăng trưởng của thị trường tiềm ẩn rủi ro phát triển không bền vững.

“Trong giai đoạn đầu, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, tỷ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 86% trong những tháng cuối năm 2019 và 67% vào cuối tháng 7/2023. Đặc biệt, sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 3 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 và 10 năm, trong đó các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ chưa thành công, thanh khoản thấp và thậm chí không thanh khoản.

Vì vậy, nhà đầu tư tập trung vào giao dịch một sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, khiến giao dịch sản phẩm có nhiều biến động bất thường thời gian qua, nhất là vào các phiên đáo hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số”, bà Tạ Thanh Bình nói.

>>Đà phục hồi của thị trường chứng khoán còn kém bền vững

Giải pháp thúc đẩy thị trường

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Hằng và TS. Nguyễn Ngọc Yến, Giảng viên khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, thực tiễn TTCK phái sinh ở Việt Nam cho thấy hàng hoá trên thị trường còn chưa phong phú, dẫn đến chưa phát huy tối ưu vai trò phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng kênh đầu tư cho các nhà đầu tư. Điều đó cũng dẫn tới sự hiện diện của các nhà đầu tư trên thị trường còn hạn chế nhất định, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Thực tiễn TTCK phái sinh ở Việt Nam cho thấy hàng hoá trên thị trường còn chưa phong phú, dẫn đến chưa phát huy tối ưu vai trò phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng kênh đầu tư cho các nhà đầu tư

Thực tiễn TTCK phái sinh ở Việt Nam cho thấy hàng hoá trên thị trường còn chưa phong phú, dẫn đến chưa phát huy tối ưu vai trò phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng kênh đầu tư cho các nhà đầu tư

Nhìn sang TTCK cơ sở, khi xác định mối quan hệ giữa TTCK phái sinh với TTCK cơ sở, có thể thấy những đặc tính của TTCK cơ sở Việt Nam cũng tạo ra những yếu tố nhạy cảm cho TTCK phái sinh. TTCK của Việt Nam sau 23 năm phát triển vẫn được coi là thị trường chứng khoán non trẻ, dễ chịu ảnh hưởng khi có các tác động tiêu cực của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế thế giới. Điều này tạo nên sự thăng trầm của TTCK, khiến cho các nhà đầu tư khó nắm bắt được xu hướng của thị trường, mặc dù có tỷ lệ sinh lời cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó, việc hình thành TTCK phái sinh là đòi hỏi thiết yếu nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do TTCK phái sinh tại Việt Nam mới ra đời, trong khi tính chất đầu cơ và rủi ro trên TTCK phái sinh khá cao, nên việc cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh để có thể dung hoà các mối quan hệ trên là vô cùng cần thiết.

Tại Dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng, phấn đấu TTCKPS tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Để đạt được mục tiêu này, theo Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán,  một số giải pháp dự kiến sẽ được triển khai bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán phái sinh thông qua việc tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lại dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm HĐTL, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu.

Trong đó, để triển khai hợp đồng quyền chọn, Bộ Tài chính (UBCKNN) cần thiết phải xây dựng một thông tư riêng hướng dẫn về giao dịch quyền chọn như Thông tư số 58/2021/TT-BTC hiện nay. Do Thông tư số 58/2021/TT-BTC mới chỉ hướng dẫn về tổ chức giao dịch HĐTL, chưa có các quy định hướng dẫn chi tiết về giao dịch HĐQC trên chỉ số cổ phiếu và cổ phiếu.

Thứ hai, thực hiện việc cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉsố cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát liên thị trường nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá trên TTCK cơ sở để tác động lên TTCK phái sinh và ngược lại. TTCK phái sinh đã vận hành được 6 năm bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ một số hạn chế trong đó nghi vấn liệu có thao túng liên thị trường vẫn là câu hỏi lớn.

“Vì vậy, tăng cường năng lực giám sát là hết sức cần thiết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát và hệ thống cảnh báo để kịp thời phát hiện ra các giao dịch bất thường giữa TTCK cơ sở và TTCK phái sinh; Đào tạo và nâng cao đội ngũ cán bộ, nhân lực cho UBCKNN cũng như các SGDCK và thành viên thị trường là các CTCK; Ứng dụng công nghệ thông tin và máy học hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát trên TTCK đặc biệt áp dụng công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm và đưa ra các khuyến nghị”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam

    05:23, 17/11/2023

  • 4 yếu tố rủi ro trên thị trường chứng khoán tháng 11/2023

    05:00, 12/11/2023

  • Điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi trước 2025

    05:30, 18/11/2023

  • Đà phục hồi của thị trường chứng khoán còn kém bền vững

    03:40, 18/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần hoàn thiện khung pháp lý, phát triển bền vững TTCK phái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO