Cần kênh đánh giá độc lập việc triển khai hỗ trợ

ĐỖ HUYỀN 03/10/2021 05:50

Đây là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nhận định về các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COViD-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Tổng cục Thống kê, số liệu trên có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, số liệu có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế

Bình luận về những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của COVID-19, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, điều tra của VCCI năm 2020 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách về thuế nhiều nhất dù là doanh nghiệp quy mô nào.

Trong năm 2021, những chính sách về miễn giảm thuế, tiền thuê đất tiếp tục được thực hiện và được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng cao cho các doanh nghiệp phục hồi. Cụ thể, năm 2021, lần đầu tiên thực hiện các giải pháp về miễn thuế giá trị gia tăng, dù có thể giới hạn trong một số nhóm hàng nhưng vẫn sẽ tạo lực đẩy về phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ về thuế năm 2021 cũng lần đầu tiên đưa nhóm hộ kinh doanh vào chương trình hỗ trợ. Đây là điểm rất mới và phù hợp của ngành Tài chính bởi hiện cả nước có hàng triệu hộ kinh doanh, các đối tượng này gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội.

Trong khi đó, về chính sách tín dụng, đại diện VCCI cho rằng, các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế thì tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tướng xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các doanh nghiệp mới phần nào khôi phục được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Dẫn chứng cụ thể, về chính sách thuế, ông Tuấn cho rằng các chính sách mới thực hiện tích cực từ phía “giảm thu”, chưa “tăng chi” để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mức độ hỗ trợ còn ít vì chính sách “giảm thu” thì doanh nghiệp nào còn doanh thu mới được thụ hưởng, trong khi nhiều doanh nghiệp hiện đã không còn nguồn thu, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng hạn chế.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ mới đang thiết kế ở mức giãn, hoãn, không phải giảm. Nên doanh nghiệp cần các nhóm giải pháp mạnh hơn, phải là “tiền tươi thóc thật”, bởi nhiều chi phí tài chính vẫn như “quả bom” treo lơ lửng đối với doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chất lượng thực thi chính sách hỗ trợ chưa đồng đều

Nói về nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, theo ông Đậu Anh Tuấn, bộ máy thực thi chính sách chưa tốt như mong muốn, chất lượng thực thi không đồng đều nên doanh nghiệp mong muốn việc thiết kế chính sách phải làm sao để doanh nghiệp thực hiện được. Hiện các chính sách như giảm tiền điện, giảm thuế… đã có các tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện, tạo hiệu ứng trong thực tiễn. Hơn nữa, các chính sách cần “thân thiện” bằng cách quy định đơn giản, dễ hiểu cũng như có cơ chế giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đại diện VCCI khuyến nghị, ngành Thuế nên có biện pháp giải đáp vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp. VCCI hiện sắp có cổng thông tin để tháo gỡ cho doanh nghiệp về vấn đề này cũng như cố gắng hệ thống hóa chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương dễ hiểu, đơn giản hơn.

Một vấn đề nữa mà ông Đậu Anh Tuấn lưu ý là việc sửa đổi chính sách chưa kịp thời. Có những chính sách mất 6-7 tháng mới sửa được thì quá chậm trễ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp nên cần kịp thời rà soát, sửa đổi.

Ông Tuấn cũng đề nghị các chương trình hỗ trợ cần có kênh đánh giá độc lập về hiệu quả triển khai.

Quan sát trong thời gian qua cho thấy nhiều cơ quan quản lý chỉ ban hành chính sách là xong nhiệm vụ. Việc triển khai thực tế, mức độ thụ hưởng còn thấp thì dù chính sách nêu ra tốt đẹp đến đâu cũng không còn nhiều ý nghĩa”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

    08:30, 26/09/2021

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Thuốc trợ lực nhưng chưa đủ liều?

    21:47, 20/09/2021

  • Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp F&B vượt đại dịch

    16:51, 01/09/2021

  • VCCI đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi COVID

    00:06, 14/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần kênh đánh giá độc lập việc triển khai hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO