Doanh nghiệp

Tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp: Xây dựng gói hỗ trợ chuyên sâu

Đức Hạnh 09/11/2024 14:15

Thay vì các chính sách hỗ trợ chung chung DN khó tiếp cận, đã đến lúc cần tiếp tục sửa đổi, thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chuyên sâu và chuyên biệt hơn.

a5.jpg

Thách thức trong chuyển đổi

Từ năm 2025, việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xanh, thông minh sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn vừa đáp ứng quy định chặt chẽ về phát triển bền vững tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn vừa là yêu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc tối ưu hoá quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.

Bà Bùi Thu Thuỷ - Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các FTA, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật. Trong đó, nhiều tiêu chuẩn, rào cản mà doanh nghiệp chưa hề biết do thiếu thông tin hoặc khó đáp ứng được, nhất là với doanh nghiệp SME. Chẳng hạn, chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ liên quan đến kinh phí đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị mà còn đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi cả quy trình hoạt động.

Từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp SME chiếm đến 98% doanh nghiệp cả nước, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đề cập đến 2 thách thức chính. Thứ nhất là thủ tục hành chính, nếu không có đột phá, doanh nghiệp khó hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là doanh nghiệp châu Âu vốn đề cao nguyên tắc và tính kỷ luật. Chỉ cần rào cản về thủ tục hành chính gây khó, doanh nghiệp có thể đối mặt với thiệt hại, bị trả hàng. Thứ hai là vốn, dù lãi suất đã giảm nhưng chưa đủ, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu bởi các thủ tục về tín chấp, thế chấp cần giải quyết.

Là doanh nghiệp tiếp cận khá sớm với chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của đối tác, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc công ty May 10 cũng đồng quan điểm khi đề cập đến một số vướng mắc chính. Đó là nguồn lực tài chính, nhất là tài chính xanh, doanh nghiệp rất khó tiếp cận và chính sách hỗ trợ chưa điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi hơn trong cạnh tranh.

Đổi mới cách thức hỗ trợ

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, qua đó đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, nâng cao năng lực, bà Bùi Thu Thuỷ cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thay đổi quy trình, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Hiện nay, chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại để điều chỉnh cách thức hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Để thực hiện được cần nghiên cứu sửa đổi một số quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để những chính sách hỗ trợ vừa đảm bảo theo dõi, đánh giá, đo lường được vừa dễ tiếp cận, dễ thực hiện hơn với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, có chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp và đi theo gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn. Theo bà Bùi Thu Thuỷ, trong thời gian tới cơ quan quản lý phối hợp rất chặt chẽ với các ngành, hiệp hội để xem xét, điều chính lại các cách thức, quy trình để doanh nghiệp hấp thụ tốt hơn các nguồn lực hỗ trợ.

Về lâu dài, đại diện lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần nghiên cứu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp theo hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị như các nước đang thực hiện. Doanh nghiệp không cần nhiều tài sản thế chấp, chỉ cần được tham gia vào chuỗi, sản phẩm của doanh nghiệp có nhà mua chờ sẵn, ngân hàng và các tổ chức tín dụng có thể xem xét cho vay với thế chấp chính bằng chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp: Xây dựng gói hỗ trợ chuyên sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO