Nghiên cứu - Trao đổi

Cần khung pháp lý rõ ràng về tài sản thế chấp vay ngân hàng

Yến Nhung 29/04/2025 04:30

Việc xác lập cơ chế pháp lý để các tài sản mới như tài sản số và tín chỉ carbon được chấp nhận làm tài sản bảo đảm ngân hàng vẫn là bài toán cần lời giải.

Tại Việt Nam, một số quy định hiện hành đã bước đầu định hướng cho việc nhận tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm. Cụ thể, tại điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đã quy định tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, trừ những tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao. Điều này cho thấy, pháp luật hiện hành đã dành phạm vi rất rộng để quy định về tài sản bảo đảm.

Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu - Ảnh: ITN
Thực tế việc triển khai nhận tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm vẫn là bài toán khó đối với các ngân hàng - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai nhận tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm vẫn là bài toán khó đối với các ngân hàng bởi khung pháp lý đối với tài sản số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, khái niệm tài sản số và quyền sở hữu đối với loại tài sản này đã bước đầu được xác lập. Đối với tín chỉ carbon, hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xác lập giao dịch bảo đảm. Chính vì vậy, nếu coi tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ còn nhiều e ngại, bởi bất kỳ giao dịch nào cũng cần phải dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các ngân hàng hiện nay còn lúng túng trong việc xem xét tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm. Khó khăn lớn nhất nằm ở khâu xử lý nợ xấu, bởi tín chỉ carbon là tài sản vô hình, khó định giá và thanh lý hơn so với tài sản hữu hình. Việc xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản đã rất phức tạp, huống chi là tài sản vô hình.

“Tuy nhiên, nếu truy xuất được toàn bộ chuỗi giá trị của tín chỉ carbon, ví dụ cho điện xanh, thì tính thanh khoản của nó trên thị trường toàn cầu sẽ rất lớn. Các ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính, và thậm chí cá nhân đầu tư vào tài sản xanh đều có nhu cầu cao với loại tài sản này. Vì vậy, việc xử lý tín chỉ carbon không nên giới hạn trong phạm vi quốc gia mà cần mở rộng ra quy mô toàn cầu, tận dụng xu hướng đầu tư vào kinh tế xanh”, chuyên gia này chia sẻ.

Theo ông Hùng, để các ngân hàng mạnh dạn tiếp cận tài sản vô hình như tín chỉ carbon, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng thời áp dụng các giải pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả. Nhà nước cần ban hành các định nghĩa cụ thể về tài sản số và tín chỉ carbon, quy định cách thức quản lý, kiểm soát và xử lý rủi ro. Tuy nhiên, quyết định có chấp nhận hay không nên để ngân hàng tự đánh giá dựa trên chiến lược kinh doanh và khẩu vị rủi ro của mình.

"Rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động tài chính. Nếu ngân hàng đánh giá được giá trị và kiểm soát được rủi ro, họ sẽ chủ động tham gia. Về định giá, mỗi ngân hàng có thể có cách tiếp cận khác nhau, tương tự như đối với bất động sản. Nhà nước chỉ cần đưa ra định nghĩa cơ bản và khung quản lý, còn để thị trường tự quyết định giá trị tài sản", ông Hùng phân tích.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, TS Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam cho rằng cần có những chuẩn bị để đưa tài sản số, tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm.

Theo đó, cơ quan quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý; xây dựng cơ chế định giá và đánh giá rủi ro; thực hiện thí điểm, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối sàn giao dịch carbon quốc gia; nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể liên quan đến tín chỉ carbon, việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo.

Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp lý liên quan hỗ trợ như Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư, hướng dẫn...; hướng dẫn nguyên tắc định giá tín chỉ carbon theo thông lệ thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần khung pháp lý rõ ràng về tài sản thế chấp vay ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO