Thành công từ thương hiệu cam Cao Phong là bước đệm lớn để Hòa Bình tiếp tục phát triển trồng loại cây này. Đến nay, đã có hơn 5.300ha cam được trồng tại các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Yên Thủy,...
>> Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm
Sự phát triển cây cam tại nhiều địa phương là tín hiệu đáng mừng. Điều này càng khiến bà con nông dân chú trọng hơn nữa ý thức gìn giữ thương hiệu cam Cao Phong.
Nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm cam Cao Phong. Tạo được giống cam ngon, xây dựng được thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu lại càng khó khăn hơn. Để duy trì phát triển, giữ được thương hiệu này cũng đang là thách thức của các cấp, các ngành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng cây có múi về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Qua đó, những sản phẩm đạt chất lượng đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte, Metro, BRG,… và các cửa hàng thực phẩm sạch.
Chất lượng nông sản tỉnh Hòa Bình thời gian qua được đánh giá đảm bảo, không phát hiện dư lượng hóa chất độc hại thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, ông Yến cho biết thêm.
Ông Từ Quang Hà - Giám đốc HTX Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) cho biết, với mong muốn tìm nhiều hướng đi cho sản phẩm cùng với phương thức tiêu thụ quả tươi, HTX Hà Phong là một trong những điển hình trên địa bàn tỉnh Hoà Bình nhờ thực hiện thành công mô hình "Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi", đến nay các sản phẩm sau chế biến ngày càng được khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận.
Cam Cao Phong đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sự gia tăng mạnh về sản lượng cam trong tỉnh cũng như các tỉnh khác trong cả nước đòi hỏi HTX phải tìm được hướng đi có tính chất đột phá, giúp củng cố và nâng tầm thương hiệu. Chính vì vậy, sản xuất sạch theo chuỗi là một hướng đi phù hợp. Tất cả các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trước khi được vận chuyển tới nơi tiêu thụ được kiểm tra trọng lượng và quy cách như: màu sắc, kích cỡ, cấu trúc múi tinh dầu… Sau đó, sản phẩm được xếp vào hộp, dán tem truy xuất nguồn gốc rồi vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Hiện, tổng diện tích sản xuất của HTX mở rộng lên 300 ha, trong đó 100% diện tích cam thời kỳ kinh doanh đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Với quyết tâm tạo đột phá về giá trị cho sản phẩm cam Cao Phong, HTX Hà Phong còn chủ động đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại, thiết bị công nghệ để chế biến sâu các sản phẩm từ cam. Sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sự tham gia của các cấp, ngành đã giúp HTX Hà Phong đưa ra thị trường 10 sản phẩm chế biến từ cam tươi, gồm: nước cam lên men, tinh dầu, tinh dầu treo xe, xà phòng, rượu cam, mứt cam, siro cam,…Trong bối cảnh thị trường đang có nguy cơ bị bão hòa các sản phẩm cam quả ăn tươi, giải pháp chế biến các sản phẩm từ cam quả của HTX Hà Phong đã tạo đột phá, đưa sản phẩm cam Cao Phong tiếp cận thị trường tốt hơn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, đưa thương hiệu cam Cao Phong lên một vị thế mới.
Đa dạng kênh bán hàng, trước đây, người dân trồng cam ở xã Bắc Phong từng trăn trở là chưa tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì đến nay, khi có HTX Hà Phong thực hiện sản xuất theo chuỗi, vấn đề thị trường tiêu thụ đã được giải quyết. HTX sẽ đứng ra thu mua sản phẩm của thành viên và người dân. Người trồng chỉ cần bảo đảm sản xuất theo quy trình đã đăng ký. Bên cạnh đó, HTX tích cực tham gia xúc tiến thương mại. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền và sử dụng nhiều kênh bán hàng, các sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Được tìm kiếm nhiều nhất hiện nay có lẽ là nước cam lên men, mứt cam và tinh dầu.
Các sản phẩm chế biến từ cam tươi của HTX Hà Phong được phân phối chính thức và bày bán tại Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Tất cả các sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng sau khi sử dụng. Hiện tại, sản phẩm nước cam lên men, rượu cam, mứt cam, tinh dầu treo xe đang thuộc Top sản phẩm bán chạy tại điểm tiêu thụ. Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, HTX Hà Phong tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để tạo ra những sản phẩm mới giới thiệu đến khách hàng. HTX dự kiến tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm dược liệu, nước rửa bát và muối tắm được chế biến từ cam quả tươi.
>> Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
>> “Gỡ bí” cho nông sản Việt
Giữ vững thương hiệu
Mục tiêu mà tỉnh Hòa Bình đang hướng đến là sản phẩm nông nghiệp sạch với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay tỉnh Hòa Bình có 70 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 18 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách của Trung ương và tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình xây dựng các chính sách hỗ trợ như vay vốn, điểm bán hàng… hướng tới tỉnh sẽ xây dựng từ 2-3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao” - ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình nhận định.
Đứng trước việc phải quốc tế hóa, toàn cầu hóa về thương mại, các sản phẩm cam đều được lựa chọn kỹ lưỡng để đưa vào phục vụ người tiêu dùng. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai kế hoạch và thực hiện những giải pháp cụ thể để nâng tầm chất lượng các sản phẩm từ cam Cao Phong, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp sạch.
Ngày 05/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, qua đó, trở thành một trong 39 sản phẩm của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Cam Cao Phong là sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng. Năm 2016, sản phẩm cam Cao Phong được Viện Sở hữu Trí tuệ quốc tế cấp Chứng thư “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” đã tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2015 đến nay, huyện Cao Phong đã phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, 5 năm liên tiếp tổ chức Lễ hội Cam Cao Phong, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến và thấy rõ được giá trị của thương hiệu nông sản Việt.
Để giữ được thương hiệu cam Cao Phong, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong – Quách Văn Ngoan cho biết, trong những năm qua quỹ đất trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong tăng lên nhanh chóng bởi nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trồng cam. UBND huyện Cao Phong đã có những chủ trương, quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam nhằm kiểm soát dịch bệnh, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã áp dụng thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi quả cam, có bao bì logo riêng của các đơn vị sản xuất, từng bước chuyên nghiệp hóa sản phẩm cam Cao Phong hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chính quyền huyện Cao Phong luôn khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; kiên định sản xuất theo hướng xanh sạch; xây dựng và phát triển các HTX làm cầu nối liên kết giữa sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cam với thị trường như HTX Hà Phong,...
Hiện, huyện đang xây dựng Đề án tái canh cây ăn quả có múi gian đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu cam Cao Phong. Theo đó, sẽ phát triển khoảng 1.500 ha với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất. Để đề án này được thực hiện cần nhiều nguồn lực về tài chính và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các hộ trồng cam trong huyện. Đây là tiền đề cho vùng cam Cao Phong phát triển bền vững.
Đến thời điểm này cam Cao Phong đã có thương hiệu của riêng mình, vì vậy chính quyền cùng các sở, ban ngành chức năng tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Cao Phong cần có những chiến lược cụ thể để gìn giữ thương hiệu, phát triển kinh tế một cách bền vững. Đồng thời, tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các quy trình sản xuất hướng tới mục tiêu xuất khẩu cam Cao Phong ra thị trường thế giới, ông Ngoan nhận định.
Có thể bạn quan tâm