Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, VCCI cho rằng, cần có quy định rõ ràng về nguyên tắc phân phối các khoản hỗ trợ…
>> Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Trả lời Công văn số 5649/BNN-CN ngày 29/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Điều 4 Dự thảo quy định về các nguyên tắc thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ, quy định này cần được xem xét ở các điểm:
Thứ nhất, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về nguyên tắc phân phối khoản hỗ trợ. Cụ thể, việc xét duyệt hỗ trợ sẽ được xem xét trên cơ sở thời điểm nộp hồ sơ theo nguyên tắc nộp trước được hỗ trợ trước (first come first served) hay theo nguyên tắc nào? Theo kinh nghiệm từ một số chính sách hỗ trợ khác, quy định theo nguyên tắc nộp trước được hỗ trợ trước sẽ có ưu điểm là dễ dàng trong việc giải ngân, dễ minh bạch công khai các khoản hỗ trợ. Ngoài ra, theo Dự thảo Tờ trình, nguồn kinh phí được chia theo từng chính sách hỗ trợ, do vậy không rõ thứ tự xét duyệt hồ sơ có phân theo từng chính sách hay không?
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các vấn đề trên, trong đó, cân nhắc bổ sung nguyên tắc hồ sơ nộp trước thì được hỗ trợ trước.
Thứ hai, Điều 4.4 Dự thảo quy định việc ưu tiên hỗ trợ cho thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi. Tuy nhiên, theo VCCI, mục đích cốt lõi của chính sách này là hỗ trợ và nâng cao năng lực của ngành chăn nuôi nói chung, do vậy, việc ưu tiên hơn cho một chủ thể nhất định là chưa cần thiết. Hơn nữa, chủ thể hợp tác xã đã được nhận các ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước theo pháp luật hợp tác xã.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, về công khai, minh bạch trong hoạt động hỗ trợ, Điều 4.2 Dự thảo quy định công khai, minh bạch là một nguyên tắc thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định nào để đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc này.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào quy định một số nội dung gồm: Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ, gồm ít nhất các thông tin - họ tên, địa chỉ; nội dung hỗ trợ; số tiền hỗ trợ; Danh sách này được gửi cho tất cả các tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ, bao gồm cả tổ chức, cá nhân có hồ sơ bị từ chối; Quy định về khiếu nại, tố cáo. Để đảm bảo hoạt động hỗ trợ được công khai, minh bạch.
>>Thuỷ sản xin hỗ trợ giảm giá thức ăn chăn nuôi
Ngoài ra, về điều kiện, hồ sơ, tài liệu đăng ký hỗ trợ, Dự thảo quy định cơ chế hỗ trợ cho các dự án là cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, nghĩa là khoản hỗ trợ sẽ được giải nhân khi hạng mục được đầu tư xong và nghiệm thu. Khi đó, việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ chỉ nên tập trung vào việc xác định hạng mục đã được đầu tư xong (loại hạng mục, chi phí).
“Việc yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khác hoặc kê khai các thông tin khác là không cần thiết và khiến việc hưởng hỗ trợ trở nên khó khăn”, VCCI đánh giá.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ một số nội dung: Giấy kê khai hoạt động chăn nuôi (Điều 7.4.b Dự thảo); Điều kiện hưởng hỗ trợ: phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương; dự án đầu tư phải đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu trong 05 năm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; ưu tiên dự án mua vật tư, thiết bị, bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong nước (Điều 8.3 Dự thảo); Tài liệu chứng minh cơ sở có biện pháp bảo vệ môi trường (Điều 8.4.d Dự thảo);
Các thông tin tại Mẫu 01 Phụ lục: loại hình tổ chức, ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư; mục tiêu và quy mô của dự án; diện tích đất dự kiến sử dụng; số lao động sử dụng bình quân; tiến độ thực hiện dự án; sự phù hợp với các điều kiện hỗ trợ.
Cùng với đó, về quy định cơ quan có thẩm quyền xét duyệt (Điều 8.5 Dự thảo): dự án nào do ngân sách Trung ương cấp sẽ thuộc thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dự án nào do ngân sách tỉnh cấp sẽ thuộc thẩm quyền của Sở.
VCCI cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã do các tổ chức này không biết phải nộp cho cơ quan nào. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất một đầu mối tiếp nhận hồ sơ.
“Trong trường hợp có sự phân cấp xét duyệt dự án, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển cho cơ quan có thẩm quyền”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
04:00, 02/11/2022
FrieslandCampina gửi lời tri ân đến các thế hệ nông dân chăn nuôi bò sữa
18:01, 05/10/2022
Nhiều “ông lớn” đổ bộ vào chăn nuôi lợn
04:45, 20/09/2022
Thúc đẩy giao thương cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thuỷ sản
09:49, 15/09/2022
Hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản
04:00, 15/09/2022