Huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” trong tình hình mới.
Với các giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” trong tình hình mới.
Năm 2021, dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, huyện Can Lộc tiếp tục gặp khó khăn ở nhiều lĩnh vực như: hoạt động du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách, các chuỗi cung ứng, giải quyết việc làm cho người lao động...
Với những nỗ lực của chính quyền và người dân, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2021 của huyện Can Lộc vẫn duy trì ổn định, hoàn thành theo các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Là huyện thuần nông, Can Lộc luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển đổi ruộng đất, phá bờ vùng, bờ thửa, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Trước những khó khăn đó, chính quyền đã đồng hành cùng người dân nhằm nỗ lực duy trì và tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng.
Đặc biệt, 2 vụ thu hoạch chính trong năm là vụ Xuân, Hè Thu được mùa toàn diện với năng suất cao nhất từ trước đến nay. Các mô hình sản xuất lúa tập trung cho năng suất cao, vượt trội hơn mức chung, khẳng định hiệu quả cao trong chuyển đổi ruộng đất, giảm chi phí sản xuất.
Công tác xây dựng cơ bản năm 2021 được địa phương quan tâm khẩn trương thực hiện, trong đó tập trung giải phóng mặt bằng và ưu tiên đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm và các công trình hạ tầng phục vụ cấp quyền sử dụng đất. Đến nay, nguồn vốn đầu tư công ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã giải ngân được 50.642/83.930 triệu đồng, đạt 60,33%, ngân sách huyện giải ngân đạt 122.844/164.170 triệu đồng, đạt 74,83% kế hoạch. Các ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt công tác cho vay và hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất.
Xây dựng cơ bản còn tạo ra những cơ hội mới cho huyện Can Lộc, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng thu ngân sách. Trong 9 tháng đầu năm thu ngân sách ước đạt 185 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch. Các sắc thuế cơ bản vượt và đạt kế hoạch như lệ phí trước bạ (125,5%KH), tiền cấp quyền sử dụng đất (94,57%KH), thuế thu nhập cá nhân (95,53%KH)...
Một trong những điểm sáng của huyện Can Lộc trong mùa dịch COVID-19 đó là hoạt động thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá ổn định. Các doanh nghiệp trên địa bàn nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận như Công ty TNHH Yên Huy đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác Hạ tầng CCN Yên Huy với tổng kinh phí đầu tư trên 90 tỷ đồng, Công ty CP xây dựng Trường Vinh với doanh thu trên 30 tỷ đồng...
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến, thương mại - dịch vụ có doanh thu cao, nộp ngân sách lớn, đáp ứng cơ bản thị trường trên địa bàn trong và ngoài huyện. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Toàn huyện hiện có 456 doanh nghiệp, 97 hợp tác xã đang hoạt động, tổng số vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 9 tháng đầu năm đóng nộp thuế cho ngân sách trên 12 tỷ đồng; thu hút hàng trăm lao động với mức lương bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Địa phương luôn xác định doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, từ đó tiếp tục phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Với những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2021, Can Lộc có 36 doanh nghiệp và 11 HTX được thành lập mới, tăng so với những năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Can Lộc Trần Viết Dũng cho biết: “Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp “đuối sức”, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí một số phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền địa phương luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tồn đọng, nhiều ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp đã được chính quyền tiếp thu, giải quyết thấu tình đạt lý. Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.
Cùng với các doanh nghiệp, trong thời gian qua địa phương đã và đang có nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị để tháo gỡ “điểm nghẽn”, duy trì ổn định sản xuất. Cương quyết xử lý các phòng ban, các cá nhân để xảy ra các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà, gây cản trở công tác đầu tư của các doanh nghiệp”, ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm