Công nghệ

Cần minh bạch để tránh rủi ro về hàng hóa kém chất lượng trên thương mại điện tử

Lê Cường 21/05/2025 11:30

Ngày nay, mua bán trên thương mại điện tử tiện lợi, tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh sự đó, thì rủi ro về hàng kém chất lượng vẫn luôn thường trực.

Nhiều rủi ro

Ngày nay, chỉ cần ngồi gần máy tính hay cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh là dù bất cứ ở đâu người tiêu dùng cũng có thể lướt web để đặt mua món đồ mong muốn và sau đó sẽ được giao đến tận tay.

Nếu so với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn rất nhiều. Cùng đó, các mặt hàng đa dạng từ quần áo mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ điện tử điện thoại, máy tính… cũng đều có thể mua sắm online.

1(3).jpg
Cần minh bạch để tránh rủi ro về hàng hóa kém chất lượng trên thương mại điện tử

Không những thế, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, các thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm. Thế nhưng, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng cao. Việc người tiêu dùng đặt mua hàng online trên thương mại điện tử khi nhận về nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, gây bất an cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 25 tỷ USD. Như vậy, trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số, thương mại điện tử chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.

Để quản lý lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Điều này cũng đồng nghĩa vẫn còn những kẽ hở để kẻ gian lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, hàng kém chất lượng trên môi trường kinh doanh online.

Chỉ tính riêng số liệu thống kê của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, trung bình mỗi năm, Hội xử lý từ 500-2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch online. Đáng nói, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, con số những vụ việc khiếu nại này cũng tăng theo thời gian.

Trên thực tế, đã có không ít những hướng dẫn đến từ các cơ quan chức năng, các Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn cách thức giao dịch đảm bảo an toàn nhất cho người mua. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng làm người tiêu dùng “thông thái”.

Bà Lê Thi Tuyết - phường Cao Thắng - TP Hạ Long được con cháu hướng dẫn mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Không phải đi ra ngoài mua sắm, bà Tuyết thường xuyên mua sắm online một số vật dụng nhỏ cho tiêu dùng gia đình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc mua sắm của bà cũng thành công. Lần gần nhất, thấy giảm giá sâu, bà mua một chiếc máy đo áp huyết trị giá hơn triệu trên một sàn thương mại điện tử lớn. Dù cũng có tem nhãn đầy đủ, song chỉ vài lần sử dụng, chiếc máy đo đã đứng yên không chạy. Mang ra hãng bảo hành, bà nhận được câu trả lời, đây chỉ là hàng "nhái”. Sau đó bà nhờ cháu tìm lại đường links mua để khiếu nại, nhưng tài khoản bán hàng cho bà mua hàng đã không thể vào được.

Những nạn nhân của lừa đảo thương mại điện tử như bà Tuyết không phải là hiếm. Hầu hết đều là những đối tượng người cao tuổi, không rành về công nghệ. Trong khi quy trình khiếu nại thì phức tạp, quá nhiều khâu, nhiều bước, thường khiến các nạn nhân "ngại” và bỏ qua.

Thực tế này cũng đặt ra vấn đề, cần có những cơ chế, chính sách minh bạch hoá thị trường thương mại điện tử, thay vì cứ yêu cầu người tiêu dùng phải “thông thái” như hiện nay.

Cần siết chặt

Trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, hiện nay, với trình độ công nghệ thông tin ngày càng phát triển, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng website TMĐT vào hoạt động mua bán, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc tra cứu danh sách các website TMĐT đã thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền còn ít thông tin, chưa đầy đủ; nhiều website được thiết lập do người khác đứng tên chủ sở hữu chứ không phải là chủ cơ sở nên việc xác định chủ sở hữu website gặp khó khăn.

3(2).jpg
Cần minh bạch hoá môi trường thương mại điện tử (Ảnh minh họa)

Đối với các website TMĐT đã thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, được gắn lên trang web chủ biểu tượng đăng ký, đường link được dẫn về nội dung phần thông tin đăng ký của thương nhân, tổ chức nhưng không thể hiện nội dung “thời gian thông báo, đăng ký” nên khó xác định được thời điểm vi phạm hành chính để xử phạt. Các đối tượng còn lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok hay sàn TMÐT..., khai báo thông tin, đăng ký hoạt động không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng…

Mới đây, Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực thương mại điện tử là hết sức cấp thiết. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an thúc đẩy cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các sàn đều phải được xác thực danh tính.

Theo lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh: Trong quý I/2025, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 22 vụ việc/29 hành vi liên quan đến kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử, phạt tiền 585,5 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại dự kiến 531 triệu đồng, trị giá hàng hoá tiêu huỷ trên 708 triệu đồng.

Thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng xác định tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp lực lượng Công an, rà soát các trang thương mại điện tử có hàng hóa vi phạm để xử lý. Đồng thời, duy trì lực lượng trực thường xuyên để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần minh bạch để tránh rủi ro về hàng hóa kém chất lượng trên thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO