Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Dữ liệu, không ít ý kiến đề nghị, cần cân nhắc và nghiên cứu thận trọng quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
Việc xây dựng Dự thảo Luật Dữ liệu (Dự thảo) nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Dự thảo gồm 7 chương, 67 điều. Trong đó, quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý.
Nhất trí rằng quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là cần thiết, song, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ này; làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Góp ý Dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện Dự thảo. Cùng với đó, kỳ vọng Dự thảo này khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ, trở thành kho tài sản vô giá của nước ta.
Liên quan đến quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong một chừng mực phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước, dữ liệu cần được xem là tài nguyên quan trọng quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù.
Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, cần cân nhắc quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, về nguyên tắc, vấn đề xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Nghị quyết của Chính phủ xác định rõ, theo đó về cơ bản do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đây là một đầu tư rất lớn, phục vụ một chủ trương xuyên suốt về chuyển đổi số.
“Dự kiến, thành lập Quỹ huy động nguồn lực xã hội để góp phần đầu tư phát triển thì e rằng không hiệu quả, nếu dựa vào nguồn này mà không xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư kinh phí cũng như đảm bảo nguồn lực để đầu tư, phát triển Trung tâm dữ liệu, quản lý khai thác, sử dụng dữ liệu như Dự thảo”, ông Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, Dự thảo quy định một số nội dung chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
“Về nguyên tắc, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thì nhiệm vụ chi không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách. Chẳng hạn như, chi hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia thì hoàn toàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Nếu quy định Quỹ cũng chi cho hoạt động này thì bị trùng lặp, không phù hợp”, ông Tùng dẫn chứng.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc lập quỹ nhằm thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, mức độ chuyển đổi số ở các vùng, miền, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu. Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ có những quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động được nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.
"Việc hình thành quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Chúng tôi sẽ rà soát, chỉnh lý, quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ, đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng quản trị dữ liệu mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, hoạt động của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cũng sẽ không trùng lặp với các loại quỹ khác", Bộ trưởng nhấn mạnh.