Nghiên cứu - Trao đổi

Cấp thiết xây dựng Luật Dữ liệu

Khôi Nguyên 16/09/2024 04:00

Việc xây dựng Luật Dữ liệu kỳ vọng sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội…

cap-thiet-xay-dung-luat-du-lieu-2.png
Việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Dự án Luật Dữ liệu là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, có vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia. Ngày 23/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15, trong đó thống nhất bổ sung dự án Luật Dữ liệu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Quốc hội khóa XV.

Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật Dữ liệu, Bộ Công an cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc), Luật Quản trị dữ liệu của châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh châu Âu… Qua đó, tạo cơ chế chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội. Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn… dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống.

Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp. Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu. Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ.

Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ…

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ra là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.

Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương. Cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

cap-thiet-xay-dung-luat-du-lieu-1.png
Dự án Luật Dữ liệu được kỳ vọng sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ với báo chí về nội dung này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân). Ở nước ta, qua rà soát hệ thống pháp luật thì chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyên, tất cả các văn bản luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu cũng như việc việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

“Việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin”, Thiếu tướng Nguyên chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cấp thiết xây dựng Luật Dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO