Góp ý Dự thảo Thông tư về lĩnh vực quản lý chất thải liên quan khí nhà kính, VCCI cho rằng, việc bắt buộc doanh nghiệp thực hiện theo quy định như Dự thảo đề xuất còn thiếu phù hợp…
>> Thách thức giảm khí nhà kính đối với doanh nghiệp tại Việt Nam
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 10483/BTNMT-BĐKH ngày 12/12/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản góp ý, VCCI cho biết, Dự thảo dự kiến ban hành định mức cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính và hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở của các cơ sở xử lý chất thải tại Chương III, IV Định mức kèm theo Dự thảo.
Điều 11.4.b, Điều 13.4 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định các cơ sở quản lý chất thải có trách nhiệm thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính và hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ khí nhà kính tại cơ sở mình. Mục II Dự thảo quy định đối tượng thực hiện bao gồm cả các tổ chức có liên quan.
Theo VCCI, quy định này chưa rõ ràng ở điểm các doanh nghiệp có thuộc đối tượng bắt buộc phải thực hiện các quy định này hay không.
Nếu bắt buộc áp dụng với doanh nghiệp, quy định này dường như chưa thực sự phù hợp vì doanh nghiệp được quyền chủ động bố trí nguồn lực thực hiện, miễn sao đáp ứng hoạt động đo đạc theo đúng các yêu cầu về kỹ thuật.
“Cụ thể, việc thực hiện các hoạt động này có thể do doanh nghiệp tự thực hiện hoặc thuê dịch vụ từ bên thứ ba. Trong trường hợp tự thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nhân sự chuyên môn và các trang thiết bị kỹ thuật (nếu có) phù hợp, miễn sao đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật đo đạc tại Thông tư 17/2022/TT-BTNMT. Trong trường hợp thuê dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ có nghĩa vụ tuân thủ các kỹ thuật đo đạc tại Thông tư 17/2022/TT-BTNMT và đảm bảo chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các hoạt động này sẽ do doanh nghiệp tự bỏ chi phí ra để thực hiện, do đó nếu áp dụng theo các định mức được xây dựng cho hoạt động dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ chưa thực sự phù hợp và có thể tạo ra “độ vênh” trong thực tế. Giá dịch vụ sẽ phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường, tùy vào thời điểm và nhu cầu mà không thể cố định trong một mức khung định sẵn”, VCCI góp ý.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, theo đó loại trừ doanh nghiệp khỏi đối tượng áp dụng của Dự thảo.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: lộ trình giảm phát thải
17:58, 22/12/2023
Thách thức giảm khí nhà kính đối với doanh nghiệp tại Việt Nam
01:16, 15/10/2022
Đồng bộ giải pháp giảm phác thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp
11:00, 02/08/2022
Cần những biện pháp mạnh mẽ để cắt giảm phát thải khí nhà kính
10:50, 30/06/2022
28/6: Tập huấn giảm khí nhà kính và cơ chế carbon
18:51, 23/06/2022