VBCSD phối hợp với Tập đoàn PAN tổ chức Toạ đàm “Cắt giảm khí nhà kính và đánh thuế carbon- Thách thức và ứng xử của doanh nghiệp tại Việt Nam”.
>>>Đồng bộ giải pháp giảm phác thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm “Cắt giảm khí nhà kính và đánh thuế carbon- Thách thức và ứng xử của doanh nghiệp tại Việt Nam” do Tập đoàn PAN Group đề xuất, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Toạ đàm không những thể hiện vai trò thành viên tích cực của PAN trong Hội đồng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của PAN đối với phát triển bền vững nhằm khuyến khích đối tác trong mạng lưới, chuỗi giá trị của PAN cùng hướng đến sức mạnh bền vững, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Để ứng phó, thời gian vừa qua, Chính phủ, Quốc hội đã quyết liệt triển khai, hành động mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua việc phê duyệt hàng loạt chính sách quan trọng, tham gia các cam kết toàn cầu như: Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị định 08/2022/NĐ- CP hướng dẫn về kiểm kê, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon trong nước; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nỗ lực phát triển thị trường carbon, đạt được yêu cầu giảm phát thải carbon theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang EU và nhiều thị trường khác. Gần đây nhất là những cam kết mạnh mẽ đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 tại Hội nghị COP26.
Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải, như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng hơn, sử dụng tài nguyên tối ưu hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong khi các hệ thống cung cấp tài nguyên vẫn có khả năng tái tạo, thiết lập những cơ chế tài chính xanh, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc báo cáo hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết: Là một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, có phát thải khí nhà kính ra môi trường, doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 50%, Tập đoàn PAN luôn quan tâm và chủ động trong vấn đề cắt giảm khí nhà kính theo xu hướng hiện tại. Vấn đề cắt giảm khí nhà kính cũng phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn PAN. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được tham vấn của các chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các công ty hàng đầu ở Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính để hiểu rõ hơn về xu hướng và tác động của vấn đề cắt giảm khí nhà kính, qua đó định hướng cho doanh nghiệp có những giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nói về tầm quan trọng của giảm phát thải khí nhà kính đại diện CTCP Thực phẩm Sao Ta minh chứng: Khi chúng tôi xuất khẩu tôm vào thị trường Châu Âu, đối tác là một trong những tập đoàn phân phối lớn yêu cầu các trại nuôi tôm của chúng tôi phải giảm mỗi năm 5% khí nhà kính. Chúng tôi đã phải giảm lượng tiêu thụ điện trong 3 năm qua nhưng dư địa đã dần cạn, khó có thể giảm tiếp nên chúng tôi đã tiến hành trồng thêm cây. Chúng tôi cũng mong có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thể triển khai áp dụng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Theo ông Phạm Nam Hưng, chuyên gia về giảm nhẹ phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô- zôn, Cục Biến đổi khí hậu: Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong NDC. Lộ trình chia theo 02 giai đoạn: Từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 không tạo sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch. Theo đó trách nhiệm thực hiện kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp bao gồm: Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023; Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025 để thẩm định; Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
“Thuận lợi là doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi công nghệ hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất. Qua đó, tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức là các doanh nghiệp chưa nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà chính, chi phí vận hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính lớn, chưa có hướng dẫn cụ thể về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh.”- ông Phạm Nam Hưng nhận định.
Bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh: Tọa đàm “Cắt giảm khí nhà kính và đánh thuế carbon- Thách thức và ứng xử của doanh nghiệp tại Việt Nam” đã cập nhật mới nhất về chính sách, quy định nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Theo đó, cập nhật tình hình đánh thuế carbon trên thế giới và định hướng tại Việt Nam cùng các khuyến nghị đối với doanh nghiệp để có thể từng bước chuẩn bị tốt cho lộ trình triển khai tiếp theo tại Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa các nguồn lực của mình, từ đó đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ của chính doanh nghiệp, cùng với đó là chia sẻ thông lệ tốt từ các doanh nghiệp thành viên VBCSD và đối tác của PAN Group có cơ hội tốt để học hỏi lẫn nhau.
Mặc dù, sau năm 2025 Việt Nam mới bắt đầu thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch nhưng đây là bước để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị áp dụng, thể hiện trách nhiệm xã hội, cam kết phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tương tự nhằm nắm bắt được nhu cầu, vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai để kịp thời có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính
19:20, 21/01/2022
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Làm gì để thực hiện cam kết phát thải khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050?
15:19, 26/11/2021
Quy định về Danh mục các cơ sở thuộc diện kiểm kê khí nhà kính còn chưa phù hợp
04:00, 19/10/2021