Cần phân loại quy mô hộ kinh doanh để bảo đảm công bằng trong quản lý thuế. Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng nay (7/8), tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang định kỳ thông tin về những giao dịch lớn cho cơ quan thuế.
Có thể bạn quan tâm
07:07, 07/08/2018
12:05, 05/08/2018
06:31, 04/08/2018
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tư hướng dẫn các khoản thanh toán bằng thẻ quốc tế (như Visa/Master) phải thực hiện qua những đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Do vậy, cơ quan thuế đã kết hợp các dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và quản lý được các khoản thu thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Dự kiến, việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh thương mại điện tử sẽ được bổ sung vào các quy định pháp luật.
“Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các website có tên miền Việt Nam. Đối với kinh doanh thương mại điện tử không phải trên website tên miền Việt Nam thì không nằm trong quản lý của Bộ Công Thương, mà thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này, chúng tôi bổ sung thêm các bộ ngành có liên quan trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử”, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nói.
Về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, có 2 nội dung quan trọng được chú ý trong công tác biên soạn Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi):
Một là, kiểm soát hoạt động thanh toán. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phát sinh đối với giao dịch thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho ngân hàng thương mại và các tổ chức cá nhân liên quan triển khai thực hiện.
Hai là, bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức đơn vị liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử như ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an,…
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, có những khó khăn trong việc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh qua Facebook, Google. Đối với những các hộ kinh doanh lớn, tiền được chuyển qua ngân hàng, ví điện tử,… và cơ quan thuế có thể thông qua các đơn vị này để biết doanh thu, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, phía ngân hàng, cơ quan chuyển tiền cũng có có trách nhiệm cung cấp thông tin.
“Nếu đơn vị bán hàng qua Facebook và thu bằng tiền mặt thì khó kiểm soát hơn. Về nguyên tắc, khi quảng cáo thì đơn vị quảng cáo phải khấu trừ thuế. Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu. Kể cả khi xóa cơ sở dữ liệu đi thì những cơ quan này cũng có quyền khôi phục dữ liệu lại để điều tra, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu” – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.
Theo bà Cúc, cần phải phân loại quy mô của hộ kinh doanh để bảo đảm công bằng trong quản lý thuế. Khi phân loại được hộ bán hàng điện tử, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm,… thì cơ quan thuế sẽ phân biệt được quy mô và có biện pháp quản lý và xác định doanh thu phù hợp.
“Đương nhiên, doanh thu do hộ kinh doanh tự kê khai, nhưng nếu phân loại được thì chúng ta sẽ so sánh. Cơ quan thuế sẽ xem xét được hộ kinh doanh bán được bao nhiêu đồng hồ, hàng ăn bán được bao nhiêu bát phở… và biết được quy mô hộ kinh doanh để quản lý thuế tốt hơn, phù hợp hơn. Tôi nghĩ rằng, việc này thuận lợi và cũng đảm bảo bình đẳng, rõ ràng, minh bạch. Bởi nếu không, sẽ dẫn đến chuyện ai làm nghiêm chỉnh thì nộp thuế đủ, còn ai tránh thuế thì sẽ nộp thuế thấp, và như thế không bình đẳng về thuế giữa những người kinh doanh với nhau”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.