Về sửa đổi Luật Đầu tư, việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt được kỳ vọng sẽ thu hút các “đại bàng”, tuy nhiên cần rà soát kỹ đối tượng áp dụng.
Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu (Dự thảo), Chính phủ đã tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, gây vướng mắc, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về sửa đổi Luật Đầu tư, Dự thảo đưa ra các quy định đẩy mạnh phân cấp phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Nhà đầu tư đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Về các thủ tục đầu tư đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc đưa ra quy định này là rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới giảm mạnh, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước không ngừng đổi mới để cạnh tranh thu hút đầu tư, nếu Việt Nam đứng yên sẽ mất cơ hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành với việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, và cho rằng Dự thảo đã giải quyết ngay các vướng mắc rất cấp bách trong thực tiễn, đặc biệt là việc đơn giản hoá thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tuy vậy, cần rà soát kỹ các tiêu chí, danh mục dự án hưởng ưu đãi thủ tục đầu tư đặc biệt.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yến Bái cho rằng, đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt như trong Dự thảo đang quá rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Do đó, khi sửa đổi Luật Đầu tư, cần rà soát đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 36a theo hướng chỉ áp dụng cho dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoàn thiện hạ tầng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
“Với dự án đầu tư được áp dụng, cần rà soát danh mục các loại hình dự án trong Dự thảo. Sau khi rà soát hoàn thiện danh mục, đề nghị bổ sung quy định loại trừ đối tượng không bao gồm các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy hoan nghênh việc có các thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chế tạo chip bán dẫn. Nếu làm tốt sẽ thu hút được các dự án đầu tư chất lượng trong các lĩnh vực này.
Song, ông cũng đề nghị nên có những quy định về mức độ hỗ trợ, ưu đãi rất cụ thể, nhưng chỉ với các dự án thực sự đáp ứng tiêu chí đã đặt ra, không làm tràn lan.
Được biết, trong phiên thảo luận cho ý kiến về Dự thảo này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng Dự thảo này đã rõ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh”.
Ngoài ra, khi xem xét, quyết định Dự thảo này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng.
“Phương châm là không cầu toàn, không nóng vội. Các đại biểu thấy Chính phủ đề xuất 30 nội dung, đầu công việc mà qua bàn thảo thấy có 20 nội dung, đầu công việc đã chín, đã rõ thì chúng ta quyết 20 việc này, 10 việc còn lại mà chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu sau, chứ không thể vì cầu toàn mà đợi đủ cả 30 việc đều chín, đều rõ mới thông qua”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu, Bộ Chính trị cũng đồng thuận theo quan điểm đổi mới tư duy này để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách đang thực hiện mà thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh.
“Chúng ta vận dụng tư duy trên, quan điểm trên vào ngay các Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này để xem xét, điều chỉnh là các luật, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận thì phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn rồi mới sửa đổi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.