24h

Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tế

Gia Nguyễn 29/10/2024 09:10

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra nội dung Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)…

Báo cáo trước Quốc hội về Dự án Luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã có Tờ trình số 683/TTr-CP ngày 19/10/2024 gửi Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Trong đó, đã phân tích đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm, phạm vi và quá trình xây dựng, lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan để nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

luat-dau-tu-cong-sua-doi-29.10.1.1.jpg
Sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra nội dung Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) - Ảnh: Quốc Tuấn

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát ; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

“Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

luat-dau-tu-cong-sua-doi-29.10.1.2.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt trước Quốc hội về Dự án Luật (sửa đổi) - Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 Điều, trong đó có 16 Điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 Điều; bãi bỏ 07 Điều).

Các vấn đề, nội dung chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công để đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược 10 năm 2021-2030 và áp dụng ngay trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Về phạm vi sửa đổi luật, theo ông Mạnh, Chính phủ trình Dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 05 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, vì vậy, nhất trí về phạm vi sửa đổi luật.

Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.

Cụ thể, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc một số nội dung liên quan đến: tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; về phân cấp thẩm quyền quyết định việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương;…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO